Gặp gỡ Việt Nam 2014:
Tăng cường cơ hội hợp tác, giao lưu khoa học
Chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2014 đang diễn ra tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn, thu hút hơn 120 nhà khoa học tham dự là một sự kiện lớn của giới khoa học vật lý quốc tế và trong nước. Sự kiện này góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về khoa học, giáo dục giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2014, một số hội nghị đã được Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức như: Hội nghị Vật lý hương vị về hạt Quark (từ 26.7 - 3.8); Hội nghị Hiện tượng năng lượng rất cao của vũ trụ (từ 3 - 10.8); Hội nghị khoa học quốc tế về vật lý hạt với chủ đề “Vật lý tại máy va chạm Hadron lớn và xa hơn” (từ 11 - 17.8). Sự kiện có tầm vóc quốc tế này quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu trên lĩnh vực vật lý học và gần 120 nhà khoa học đến từ 22 quốc gia trên thế giới.
Trong số các nhà khoa học đến với chương trình lần này, có nhà khoa học đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2013 - François Englert của Đại học Tự do Bruxelles (Bỉ), với công trình khám phá hạt Higgs (hạt của Chúa). Giáo sư François Englert được vinh danh vì việc phát hiện ra hạt Higgs có thể giúp giải thích nguyên nhân tại sao mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. Không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ, với hạt Higgs, con người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới, giúp tạo nên những thành tựu công nghệ đột phá trong giao thông và viễn thông.
Giáo sư François Englert cho biết: Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng tôi rất vinh dự khi được tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức ở TP Quy Nhơn theo lời mời của giáo sư Trần Thanh Vân. Đây là một nơi rất đẹp và chất lượng khoa học của Hội nghị rất tốt, một nơi thật tuyệt vời cho những cuộc gặp gỡ khoa học.
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993 với mục đích tăng cường giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học trên thế giới. Cũng giống như các chương trình Gặp gỡ Việt Nam trước, chương trình lần này cũng phối hợp với Đại học Quy Nhơn tổ chức lớp học về vật lý học và vật lý thiên văn cho sinh viên cao học và nghiên cứu sinh ở khu vực châu Á. Tại đây, các nhà khoa học trẻ ở các nước trong khu vực ASEAN được chia sẻ về những thành tựu quan trọng nhất ở 2 lĩnh vực này.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, 26 tuổi, nghiên cứu viên của Viện Vật lý Hà Nội chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi được tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại ICISE. Đây là cơ hội rất tốt để những người trẻ như chúng tôi có thể tiếp cận và học hỏi các nhà khoa học thế giới, học hỏi về phong thái, tác phong, cách thức làm việc, và chúng tôi được hướng dẫn, gợi mở rất nhiều con đường trong nghiên cứu.
Theo giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, việc tổ chức thành công các chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại ICISE có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần xây dựng nền móng cho sự hợp tác về khoa học giáo dục của Việt Nam với các quốc gia có nền khoa học phát triển trên thế giới, mà thông qua đó, còn khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức những hội nghị khoa học đỉnh cao, tầm cỡ quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị “Vật lý tại máy va chạm Hadron lớn và xa hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: Bình Định rất quan tâm đến sự phát triển khoa học và giáo dục. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam đang rất quan tâm và đẩy mạnh. Chúng tôi rất cảm ơn giáo sư Trần Thanh Vân đã lựa chọn và xây dựng ICISE thành một điểm đến khoa học và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam tạo mọi điều kiện để ICISE có thể sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án. Hình ảnh của TP Quy Nhơn đã được biết đến nhiều hơn thông qua ICISE
MAI HỒNG
Người dân Việt Nam nói chung và người dân Bình Định chúng tôi nói riêng vô cùng kính phục, ngưỡng mộ và biết ơn vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, bởi sự uy tín tầm cỡ của hai vợ chồng giáo sư! Hầu như các nhà bác học đã từng đoạt giải Nobel vật lý trên thế giới đều nhận lời mời của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đến với Việt Nam để tham gia các hội nghị cũng như tham quan du lịch Việt Nam. Tôi thầm nghĩ trong bụng rằng: nếu không có 2 vợ chồng GS Vân, cả đời họ chưa chắc gì nghĩ đến việc đến với Việt Nam. Phải có người uy tín "tầm cỡ" mới mời được những nhân tài hiếm hoi của thế giới vượt đường sá xa xôi (cho dù bằng máy bay) đến với đất nước Việt Nam nhỏ bé và còn lạc hậu về kinh tế cũng như khoa học này ! Một lần nữa xin tỏ lòng ngưỡng mộ và vô cùng cảm ơn cả 2 vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đã góp phần làm rạng danh Việt Nam !