Xây dựng Quy Nhơn thành điểm đến khoa học:
Cơ hội tạo nên sự khác biệt
Ý tưởng xây dựng TP Quy Nhơn thành một điểm đến khoa học và giáo dục (KH&GD) do Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh phác thảo, dựa trên nền tảng Trung tâm Quốc tế KH&GD liên ngành (ICISE). Mô hình Khu đô thị KH&GD Quy Hòa nếu được xây dựng thành công sẽ gợi mở cho TP Quy Nhơn tạo được nét khác biệt trong phát triển du lịch và khoa học, giáo dục.
Theo đề án do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phác thảo, Khu đô thị KH&GD Quy Hòa (tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn)) gồm 3 phân khu: Khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi (gồm hoạt động vui chơi khoa học, các hoạt động khám phá biển đảo, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ…); khu hội tụ khoa học (gồm ICISE, viện nghiên cứu, trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao…); khu resort, biệt thự…
Mô hình Khu đô thị KH&GD Quy Hòa sẽ góp phần để TP Quy Nhơn trở thành điểm đến du lịch khoa học.
- Trong ảnh: Các nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại ICISE. Ảnh: VĂN LƯU
Ý tưởng này đã được UBND tỉnh Bình Định thông qua và giao cho các đơn vị liên quan tiếp tục lên kế hoạch triển khai. Đây là cơ hội để tạo nên sự khác biệt, định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch khoa học, góp phần khơi dậy đam mê khoa học của tuổi trẻ, đưa TP Quy Nhơn trở thành nơi hội tụ của các sự kiện khoa học lớn trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo gợi ý của giáo sư Trần Thanh Vân, điều cần triển khai trước mắt là nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học. Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết: Ở các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Singapore…, các mô hình công viên khoa học, nhà mô hình vũ trụ được quan tâm xây dựng. Đây là nơi để các em thiếu nhi, học sinh có thể đến tham quan, học tập, khám phá những điều kỳ thú trong vũ trụ, trong thiên nhiên. Niềm đam mê học hỏi, đam mê khoa học sẽ từ đó hình thành và góp phần đưa khoa học gần gũi với người dân. Ngành Du lịch của địa phương cũng sẽ hưởng lợi từ việc này.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho biết: Xây dựng bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ là điều mà Bộ KH-CN đã muốn thực hiện cách đây 5 năm ở TP Đà Lạt, nhưng không thành công. Một vài địa phương khác cũng có ý tưởng này nhưng không nơi nào có điều kiện thuận lợi như Bình Định, vì ở đây đã có ICISE và những người rất tâm huyết với vấn đề này. Việc xây dựng nhà vũ trụ để góp phần nâng cao nhận thức và đưa khoa học gần gũi với người dân rất phù hợp với mục tiêu để sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để thực hiện cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn và được phê duyệt chủ trương dự án. Nếu làm được dự án này và kêu gọi xã hội hóa tốt thì đây sẽ là một điều độc đáo, góp phần phát triển du lịch, kinh tế, giáo dục của địa phương.
HIỀN MAI
Nhiều tỉnh thành trong nước đều đã có các điểm đến du lịch đẹp, lạ, thu hút khách du lịch, như: Vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, biển Phan Thiết, đảo Phú Quốc, Thăng Long Hà Nội, chùa Bái Đính Ninh Bình, Động Phong Nha Quảng Bình, đô thị náo nhiệt Sài Gòn....Nhưng, còn quá hiếm điểm đến du lịch gắn với khoa học tự nhiên kiểu như Bảo tàng hải dương học ở Nha Trang. Khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng, khám phá những điều hay, bổ ích về khoa học, nhất là khám phá thiên văn học, xem các vì sao, thiên thể trên bầu trời vào ban đêm...ở Việt Nam này hình như chưa có! Do đó, nếu lãnh đạo tỉnh BĐ quyết tâm cùng với Bộ KH-CN, GS Trần Thanh Vân, lãnh đạo Đại học quốc gia TP.HCM xây dựng thành công khu du lịch-khoa học-giáo dục này thì chắc chắc sẽ thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với BĐ! Cái lợi nhiều mặt thì chắc khỏi cần bàn rồi! Mong sao điều đó trở thành hiện thực vào năm 2020 !
Có thể nói đây là vận mệnh và là cơ hội lớn cho tỉnh Bình Định. Đón đầu tương lai là không đơn giản nhưng nếu thành công, sẽ vượt tầm mong đợi. Rất ủng hộ ý tưởng này. Chúc ý tưởng sớm thành hiện thực!