Đảm bảo an toàn tại bể bơi: Không được chủ quan!
Thời gian gần đây xảy ra một số vụ đuối nước ở bể bơi dẫn đến tử vong. Từ đó, cấp thiết đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn ở bể bơi.
Ngày 22.8, một nam sinh lớp 9 tử vong khi đang học bơi tại bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (TP Hà Nội). Nguyên nhân chính là thầy giáo phụ trách nhóm học sinh tập bơi không trực tiếp hướng dẫn, mà ngồi một chỗ trên bờ và thường xuyên sử dụng điện thoại di động, không quan sát học sinh… Do đó, người thầy này đã bị CA tạm giữ hình sự vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với nhân viên cứu hộ túc trực, nhiều phụ huynh đi cùng để trông chừng con cháu tại hồ bơi Ecolife - Reverside (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn). Ảnh: H.T
Cũng trong ngày 22.8, tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh), một nam sinh 13 tuổi bị đuối nước tại bể bơi của nhà trường dẫn đến tử vong. Theo báo cáo của hai nhân viên cứu hộ tại bể bơi, vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn, họ không quan sát kịp.
Trước đó, trong tháng 8 cũng có hai học sinh bị đuối nước dẫn đến tử vong tại DN, cơ sở kinh doanh bể bơi ở Hưng Yên, Hà Tĩnh. Trên địa bàn tỉnh, những năm qua không xảy ra vụ việc đuối nước tại bể bơi, nhưng không nên chủ quan khi ngày càng có nhiều bể bơi ở các địa phương.
Theo ông Lục Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT), tính đến đầu năm 2023, có 22 DN đủ điều kiện kinh doanh hoạt động môn bơi, lặn ở Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát được Sở VH&TT cấp phép, phần lớn là các hồ bơi ở khách sạn, resort, khu du lịch, tòa nhà chung cư. Cùng với đó, còn có các cơ sở kinh doanh bể bơi, một số trường học, đơn vị cũng có bể bơi từ các nguồn tài trợ.
Khi phục vụ hoạt động môn bơi phải tuân thủ đúng theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn chuyên môn cho nhân viên. “Cần phải có dây phao được căng để phân chia các khu vực bể bơi. Dụng cụ cứu hộ gồm sào, phao cứu sinh được đặt ở vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng. Cùng với đó là bảng nội quy, biển báo độ sâu các khu vực được đặt ở các hướng, vị trí khác nhau, dễ đọc, dễ quan sát. Phải có nhân viên cứu hộ thường trực, tập trung quan sát...”, ông Dũng lưu ý.
Bể bơi Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) được khánh thành ngày 19.7, có kích thước lớn 25 x 50 m, với 10 làn bơi, thu hút nhiều người đến. Theo ông Đặng Thùy Biên, quản lý bể bơi, sau các sự cố đuối nước ở bể bơi tại Hà Nội và các tỉnh, thành khác thời gian gần đây, càng phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong quản lý, tổ chức hoạt động tại bể bơi.
Ông Biên cho biết: “Cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) tập huấn cứu hộ tại bể bơi. Hằng ngày phục vụ khách đến bơi, luôn có 2 nhân viên của Trung tâm đi xung quanh bể bơi để quan sát, trong quá trình làm việc không sử dụng điện thoại gây mất tập trung...”.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong nội quy nhiều bể bơi trên địa bàn tỉnh đều nêu cụ thể, cần được phụ huynh quan tâm hơn. Bể bơi khách sạn Hương Việt (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) quy định: “Trẻ em cao dưới 1,4 m phải có người lớn đi kèm. Phụ huynh có trách nhiệm trông chừng và quan sát con mình”; bể bơi Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh quy định: “Trẻ em cao dưới 1,2 m khi xuống bể bơi phải có người lớn đi kèm và phải có áo phao hoặc phao bơi”; bể bơi Hà My (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) quy định: “Khách bơi yếu hoặc không biết bơi nên ở khu vực độ sâu 1,2 m (người lớn ở hồ lớn), 0,65 m (trẻ em ở hồ nhỏ). Các em nhỏ dưới 6 tuổi phải có phụ huynh theo cùng trong suốt suất bơi”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) mỗi tuần một lần dẫn hai con 6 và 9 tuổi đi bể bơi. Chị Thảo chia sẻ: “Vợ chồng tôi nhắc nhau không rời mắt khỏi con mình dưới bể bơi, bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, nhiều khi đi qua khu vực nước sâu ngập đầu, mà bể bơi đông người, có khi nhân viên trông coi không để ý hết. Gần đây cũng thấy báo đăng về mấy vụ đuối nước tại bể bơi ở các tỉnh, thành khác, nên càng thấy việc đi theo sát trông chừng con là cần thiết”.
HOÀI THU