Vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam: Tìm cách phối hợp, tháo gỡ để cung ứng đủ
Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức tăng ca, tập trung thi công Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, phía Ðông, giai đoạn 2020 - 2025, đoạn đi qua tỉnh Bình Ðịnh. Tuy một mặt các chủ đầu tư cho rằng thiếu nguồn cung vật liệu, cần sớm hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác mỏ vật liệu mới để đảm bảo thi công; mặt khác lại bác bỏ nhiều đề xuất của tỉnh.
Nhiều điều khó hiểu từ chủ đầu tư
Theo các chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 và Ban QLDA 2, tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt Dự án) gồm 13 triệu m3 đất san lấp; 4,5 triệu m3 đá xây dựng; 1,8 triệu m3 cát xây dựng.
Trạm bê tông tươi sử dụng vật liệu từ các mỏ ở huyện Hoài Ân của Ban Điều hành Trường Sơn 5, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Ảnh: HẢI YẾN
Trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh giới thiệu 74 mỏ vật liệu để đối tác tiến hành khảo sát, đánh giá. Tuy nhiên, trong số 20 mỏ đất tỉnh giới thiệu, chủ đầu tư chỉ chọn sử dụng 8 mỏ; toàn bộ 29 mỏ cát tỉnh giới thiệu chủ đầu tư không chấp thuận mỏ nào mà lập hồ sơ đề nghị 14 mỏ cát mới. UBND tỉnh cũng giới thiệu 25 mỏ đá xây dựng nhưng đến nay các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa phản hồi.
Đáng chú ý ở lĩnh vực cung ứng cát xây dựng, sau khi từ chối các đề xuất của tỉnh Bình Định, 2 Ban chủ động lựa chọn 23 mỏ cát để phục vụ Dự án. Nhưng điều khó hiểu là trong số này có tới 5 mỏ có giấy phép đã hết hạn và đang làm hồ sơ đóng cửa mỏ; 7 mỏ khác có giấy phép đã hết hạn và đang làm hồ sơ gia hạn; 6 mỏ có giấy phép sẽ hết hạn trong năm 2023 và 5 mỏ khác có giấy phép hết hạn trong năm 2024 - có nghĩa là thời gian khai thác còn hiệu lực, khả năng phục vụ của các lựa chọn này rất thấp.
Ngoài ra, do Dự án diễn ra trong lúc tỉnh ta cũng triển khai xây dựng nhiều dự án, công trình hạ tầng, giao thông; do những công trình này có nhu cầu cát rất lớn nên nhiều khả năng thời gian đến sẽ xảy ra hiện tượng thiếu cát cục bộ tại một số thời điểm.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, liên quan vấn đề này, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị 2 chủ đầu tư, các nhà thầu thi công khẩn trương khảo sát, bổ sung mỏ cát phục vụ Dự án. Tuy nhiên, mãi đến nay mới chỉ có Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và Công ty CP tập đoàn Đèo Cả xin đăng ký khai thác mỏ cát ở lòng sông An Lão đoạn thuộc hai xã Ân Hảo Tây và Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân. Riêng đề nghị khai thác cát và đất san lấp tại KCN Hòa Hội, huyện Phù Cát để phục vụ Dự án của Ban QLDA 85, cả Sở TN&MT và nhiều sở, ngành khác của tỉnh cùng không thống nhất, vì chính KCN này cũng đang thiếu đất đắp phục vụ san lấp mặt bằng.
Tỉnh khẩn trương, chủ đầu tư cũng phải linh hoạt hơn
Hiện một số mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh đang còn vướng phần diện tích đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, vì thế chưa thể tổ chức khai thác. Không chỉ có vậy, mặc dù thương thảo đã lâu nhưng phía chủ đầu tư vẫn chưa thể thống nhất mức đền bù với những hộ dân là chủ đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến tiến độ cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng bị chậm.
Ông Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 5, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho biết: Chúng tôi đang sử dụng 6 mỏ vật liệu được cấp phép và hiện đang đề xuất thêm 3 mỏ vật liệu khác có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng, công suất cung cấp cho Dự án. Chúng tôi đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Định cho phép nâng công suất, gia hạn giấy phép khai thác với số mỏ phục vụ dự án đã hết hạn để nhà thầu có cơ sở phối hợp với các chủ mỏ triển khai các công việc tiếp theo.
Số mỏ mà nhà thầu thi công kiến nghị điều chỉnh, bổ sung đều không thuộc danh mục Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu do 2 Ban đề xuất ban đầu để phục vụ Dự án. Chính điều này cũng khiến tiến độ thi công gặp bất lợi.
Hơn nữa, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, việc gia hạn các mỏ cát xây dựng gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, đê kè, đường vận chuyển... Các tỉnh khu vực miền Trung chưa được phép nâng công suất khai thác nhiều hơn 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông mà không phải lập lại dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường… nên thời gian thực hiện kéo dài.
Nhiều ngày qua, UBND tỉnh đề nghị Ban QLDA 2 và 85 khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền địa phương để thực hiện thủ tục khai thác mỏ; đàm phán và thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng với chủ đất khu vực mỏ để khẩn trương tổ chức khai thác… Dù vậy, các ban vẫn xử lý đề nghị trên khá chậm.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến thống nhất đối với các vị trí mỏ vật liệu do các Ban và các nhà thầu thi công đề xuất bổ sung (không có trong Hồ sơ khảo sát vật liệu ban đầu) để đảm bảo các quy định về Hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công Dự án, làm cơ sở cho UBND tỉnh xác nhận đăng ký khai thác. Các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT gửi cơ quan quản lý địa phương, hoàn tất các thủ tục khai thác. Qua đó giúp tháo gỡ nút thắt, bảo đảm nguồn vật liệu đủ chất lượng, trữ lượng phục vụ thi công.
HẢI YẾN