Kiên quyết không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Sáng 29.8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Ðoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4. Tại điểm cầu Bình Ðịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Quyết liệt và trách nhiệm hơn trong hành động
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến ngày 29.8.2023, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, giảm 9.789 chiếc so với thời điểm năm 2019. Trong đó có 30.000 tàu có chiều dài trên 15 m, giảm 1.206 chiếc so với năm 2019; 97,8% tàu cá có chiều dài trên 15 m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Kết quả này là nỗ lực của ngành nông nghiệp trong thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác trên biển.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: THU DỊU
Từ quý IV/2022 đến nay, các lực lượng thực thi pháp luật đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/13 tàu cá và đang giữ 115 thiết bị GSHT của các tàu có hành vi khai thác sai vùng, sai tuyến, khác thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nghiêm khắc hơn nhưng đánh giá toàn diện thì chưa đáp ứng các khuyến nghị của EC. Phía EC khẳng định không tháo gỡ “thẻ vàng” nếu còn tàu cá của Việt Nam vi phạm IUU. Thiệt hại trước mắt là về kinh tế, nhưng quan trọng và lâu dài hơn là vị thế và hình ảnh quốc gia sút giảm.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên nhân của việc dẫn tới vi phạm IUU là đội tàu khai thác lớn trong khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. “Từ đây cho tới tháng 10, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương ven biển triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp để chấm dứt tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Phải xem đây là nhiệm vụ sống còn để EC quyết định việc tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác của Việt Nam!”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Bình Định kiên quyết không để tàu cá xuất bến tại tỉnh vi phạm
Với tỉnh Bình Định, việc tháo gỡ thẻ vàng được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 5.651 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được đăng ký, trong đó có 4.223 tàu cá thuộc diện đăng kiểm và cập nhật được 3.237 tàu cá trên cơ sở dữ liệu VNFishbase, số còn lại tiếp tục rà soát để cập nhật. Có 4.924/5.651 tàu cá được cấp giấy phép khai thác, chiếm 87,1% trên tổng số tàu cá đã đăng ký. Qua rà soát, trong số 727 tàu cá chưa cấp giấy phép khai thác có 229 tàu cá không còn ở địa phương do bị chìm đắm, mục nát hoặc đã bán nhưng chưa thực hiện xóa đăng ký tàu cá. Còn lại 498 tàu cá đã đăng ký ở địa phương nhưng không có giấy phép, tập trung ở các vùng bãi ngang, vùng đầm trong tỉnh, nơi ít có sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Với nhóm 375 tàu thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh và chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, Sở NN&PTNT tổ chức nhiều đoàn liên ngành vào các tỉnh phía Nam gặp gỡ ngư dân, tuyên truyền, xây dựng quy chế phối hợp riêng với các tỉnh trong công tác quản lý tàu cá. Dù vậy hoạt động trên biển của nhóm tàu này vẫn rất phức tạp. Từ cuối tháng 12.2022 đến nay vẫn còn 4 tàu cá Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, 3 trong 4 tàu làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, đáng chú ý có 2 tàu cá bị bắt trong vùng biển chồng lấn. Với riêng 2 tàu cá bị bắt ở vùng biển chồng lấn, qua xác minh tọa độ, tàu cá này bị bắt khi đang hoạt động ở vùng biển được phép khai thác, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công điện với Bộ Ngoại giao của Malaysia và Indonesia để giải quyết vấn đề.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo ngành chức năng tập trung vào 2 vấn đề ưu tiên trước mắt là ngăn chặn tàu cá xuất bến ở Bình Định vi phạm IUU và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng Biên phòng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu ra, vào bến trong thời gian cao điểm, phát hiện dấu hiệu nghi ngờ không cho ra khơi. Xử lý nghiêm khắc những tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Kiểm soát, kiểm tra chặt nhật ký khai thác để ngăn chặn việc mua bán hải sản không rõ nguồn gốc hợp thức hóa đưa về bờ. Sở NN&PTNT tiếp tục làm việc với địa phương nơi có tàu cá Bình Định neo đậu để quản lý.
Về lâu dài, bền vững, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở NN&PTNT nghiên cứu, quy hoạch nuôi trồng thủy sản ven bờ và nuôi biển thích hợp để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực khai thác, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời, các địa phương nghiên cứu phương án, tính toán việc chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho người dân ở các địa phương ven biển.
“Việc tháo gỡ thẻ vàng IUU thành công sẽ giúp Việt Nam giữ được hình ảnh, vị thế quốc gia đồng thời giúp chúng ta có một hệ thống quản lý nghề cá hiện đại, bền vững. Ảnh hưởng tiêu cực của thẻ vàng hiện rất rõ ràng, với VASEP trước hết là thị phần xuất khẩu của các DN, sau đó là chuỗi tham gia lao động sản xuất ở các nhà máy”.
Phó Tổng thư ký VASEP NGUYỄN HOÀI NAM
“Chúng ta đã sử dụng các bộ công cụ trong thực thi pháp luật, các lực lượng chấp pháp trên biển luôn tuần tra, kiểm soát để vừa ngăn chặn tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, vừa trực tiếp hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, ý thức của ngư dân là then chốt”.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư NGUYỄN QUANG HÙNG
THU DỊU