Tìm giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực
(BĐ) - Chiều 30.8, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2, với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh có đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của CĐS, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại phiên họp, Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT&TT) báo cáo về thực trạng tình hình phát triển kinh tế số. Cụ thể, theo số liệu ước tính sơ bộ của Bộ TT&TT, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022), trong đó kinh tế số ICT (công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông - PV) vẫn là trụ cột chính với tỷ trọng đóng góp 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, lĩnh vực khác là 5,24%. Trong hoạt động kinh tế số ICT, hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học đang có đóng góp nhiều nhất hiện nay với 58,58% tổng giá trị kinh tế số ICT, viễn thông là hoạt động thứ hai ghi nhận mức đóng góp cao trong kinh tế số ICT, tiếp đến là hoạt động bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm.
Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP (khoảng 20 - 25%/năm), phiên họp đưa ra 9 nhóm giải pháp. Trong đó, có tăng cường dữ liệu và công nghệ, phát triển kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ CĐS ngành, lĩnh vực, hình thành dữ liệu tập trung, phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia…; mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm CĐS vùng; đẩy mạnh quản trị số, thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại một số địa phương, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số.
Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và CĐS DN, ngành, lĩnh vực trong 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng.
TRỌNG LỢI