Chàng rể Bình Định lưu danh ở “bảng vàng” Hỏa Lò
Du khách khi tham quan nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) có thể sẽ nhìn thấy một “bảng vàng” ở ngay những dòng đầu, từ vần chữ A có tên một người là Trương An (tức An Châu, SN 1922, quê quán Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị). Đó chính là tên một chiến sĩ cách mạng thời tiền khởi nghĩa, sau này ông là người con rể hiếu thảo của đất Võ Bình Định.
1. Hồi chín năm kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Thạnh quê tôi cũng như nhiều vùng khác của đất Bình Định không nằm trong vùng tạm chiếm của thực dân Pháp nên được gọi là “vùng tự do”, là nơi đặt chỗ làm việc của nhiều cơ quan Chính phủ và quân đội nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ. Vĩnh Thạnh là nơi đóng quân của Trung đoàn 120. Nhờ vậy tía má tôi có được một chàng rể bộ đội quanh năm suốt tháng tham gia chiến trận.
Ngay cả khi vừa tổ chức đám cưới xong tối 6.3.1953, thì sáng hôm sau, anh rể tôi cũng lên đường ngay để tham gia chỉ huy chiến dịch Át Lăng, đánh quân Pháp tại mặt trận An Khê, Gia Lai - Kon Tum, chia lửa với chiến dịch Điện Biên Phủ... Còn chị Tư tôi cũng cùng anh chị em thanh niên địa phương tham gia dân công hỏa tuyến đưa gạo, thực phẩm lên chiến trường và chuyển thương binh về hậu phương...
Năm 1954 khi tập kết ra miền Bắc, chúng tôi cũng có nghe anh Tư Trương An nhắc đến “tù nhân Hỏa Lò”, “tù nhân Côn Đảo”, nhưng rồi mọi việc qua nhanh vì cuộc sống lao động, học tập cuốn chúng tôi - khi đó hãy còn quá trẻ - lướt đi như gió thanh xuân. Mãi đến sau này khi anh Tư tôi nghỉ hưu, sau nhiều câu chuyện chắp nhặt, tôi mới vỡ òa ra, sáng tỏ về lai lịch rất “khủng” của anh. Và sáng đến đâu chúng tôi lại càng thêm yêu kính anh Tư - một chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên cường...
2. Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội là một trong những nhà tù lớn mà thực dân Pháp xây từ năm 1896 tại Hà Nội để giam giữ và tra tấn hàng nghìn tù nhân chính trị, chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước.
Trong Lời giới thiệu của tập ký ức cách mạng Những chuyện khó quên trong giai đoạn 1935 - 1945 của Trương An, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, viết: “Tôi và Trương An gặp nhau trên bước đường hoạt động cách mạng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Chúng tôi cùng tham gia Tỉnh ủy chính thức của tỉnh Quảng Nam vào tháng 11.1940, sau đó cùng tham gia lâm thời Xứ ủy Trung kỳ. Cho đến đầu năm 1942, Trương An bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà lao Hỏa Lò Hà Nội, lãnh hai án tù và bị đày đi nhà tù Côn Đảo vào cuối năm 1943. Phần tôi bị địch bắt vào tháng 6 năm 1943, đày đi nhà lao Ban Mê Thuột và ra tù sau ngày Nhật đảo chính Pháp 3.1945. Còn anh Trương An cùng gần 2.000 tù chính trị Côn Đảo, được Đảng và chính quyền cách mạng cử đoàn tàu ra Côn Đảo rước về đất liền vào cuối tháng 9.1945. Từ đó cả hai chúng tôi đều tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng trên nhiều địa bàn và với nhiều vị trí khác nhau...”. Điểm lại vài nét đơn sơ như thế cũng đủ hiểu chàng rể Bình Định từng tham gia cách mạng hăng hái như thế nào.
Ông Trương An (người ngồi, mặc áo đen đội mũ - bên trái) lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - cùng các đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II - năm 1951, tại Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu của tác giả.
3. Trương An được giác ngộ cách mạng rất sớm tại quê hương Quảng Trị, lúc mới 12 tuổi. Ít lâu sau ông tham gia thành lập Ban vận động học sinh bãi khóa, tham gia tổ chức Thanh niên Phản đế, Thanh niên Dân chủ, rải truyền đơn, tổ chức học sinh mít tinh bãi khóa đòi dân sinh dân chủ... Năm 14 tuổi (1936), ông bị địch bắt, tuyên án 3 năm tù treo. Đến năm 1937, ông lại bị giặc bắt về tội “truyền bá chữ quốc ngữ”... bị kết án 6 tháng tù giam. Mãn hạn tù, theo lệnh của cấp trên, ông chuyển vào hoạt động bí mật. Năm 1938, ông đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ tin tưởng giao nhiệm vụ lập Xứ ủy Trung kỳ.
Trong tập ký ức cách mạng của mình, Trương An kể: Đồng chí Hoàng Văn Thụ hỏi tôi về những diễn biến tình hình từ khi các đồng chí Bùi San và Hồ Xuân Lưu bị bắt ở Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đồng chí hỏi tôi biết ai trong Thường vụ các tỉnh còn hoạt động không? Cơ sở cách mạng ở tỉnh nào còn tương đối khá, giữ vững được? Tôi trình bày cụ thể tình hình với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Sau một buổi làm việc, đồng chí Thụ giao cho tôi tài liệu về Mặt trận Việt Minh, bức thư bằng chữ Nho của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gởi các phụ lão yêu nước và các điều lệ về tổ chức quần chúng. Đồng chí bảo tôi về tập hợp các đồng chí Lê Chưởng, Trương Hoàn, Võ Toàn (tức đồng chí Võ Chí Công) mà tôi đã biết rõ, cùng tôi lập Xứ ủy Trung kỳ lâm thời để chỉ đạo phong trào. Trung ương sẽ bổ sung và ra quyết định lập Xứ ủy chính thức. Cơ quan Xứ ủy sẽ đóng tại Quảng Nam, nơi cơ sở cách mạng còn giữ vững. Riêng tôi lập một phân ban Xứ ủy đóng tại Nghệ An để tiện tiếp xúc, liên lạc với Trung ương và tạo điều kiện củng cố lại cơ sở Thanh - Nghệ - Tĩnh sau khi các đồng chí Xứ ủy cũ bị bắt. Đồng chí Thụ đặt bí danh tôi là Bân, đồng chí Thụ bí danh là Giám...
4. Từ sau khi chắp nối với Trung ương, ông Trương An tham gia Tỉnh ủy Quảng Nam, tham gia lâm thời Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp phụ trách biên tập, phát hành tờ báo Bẻ Xiềng của Xứ ủy..., mọi công việc đều tiến hành có kết quả tốt. Một thời gian ông làm công nhân khuân vác ở nhà máy Trường Thi, cũng là để lấy chỗ dựa làm bàn đạp hoạt động ở TP Vinh. Năm 1942, Trương An lại bị giặc bắt. Vì đã có tiền án nên Tòa án tỉnh Nghệ An phạt ông 18 năm tù khổ sai, đưa ra giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Cái tên Trương An xuất hiện trong “bảng vàng” ở nhà tù Hỏa Lò bắt đầu như vậy.
Khi bị giam tại nhà lao Hỏa Lò, một hôm ông bị dẫn đến phòng tra tấn. Tại đây chúng liên tục tra tấn ông để truy sâu thông tin về một số bí danh chúng tình cờ có được, dù rất mơ hồ nhưng những thông tin ấy hé ra sự liên quan đến một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Biết kẻ thù đang tìm kiếm thông tin của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trương An kiên quyết không khai nhận bí danh của mình, cũng không khai thêm bất cứ điều gì khác.
Không từ bỏ việc truy tìm thông tin, từ Hà Nội, địch đưa Trương An vào Vinh, đến phòng tra tấn của tên mật thám nổi tiếng hiểm ác Humbert. Tại đây, chúng tra tấn ông cùng với những đồng chí đã bị bắt, vô cùng dã man, đánh đập tra khảo chết đi sống lại nhiều lần, nhưng ông vẫn kiên định quyết không khai một lời nào. Và ông cũng biết các đồng chí không ai khai báo gì cả... Sau một thời gian dài đưa ông đi đối chất, tra tấn tại nhiều nơi - Vinh, Đà Nẵng, Hội An - cuối cùng chúng trả ông về Hỏa Lò để chờ ngày xử án mới.
Trong hồi ức, Trương An kể rõ: Trước đây, tôi bị bắt ở Nghệ An, là đất thuộc địa nên do Tòa án Nam triều xét xử tôi 18 năm tù khổ sai. Nay chúng buộc tôi hoạt động cộng sản ở Đà Nẵng là đất nhượng địa nên giao cho tòa án đại hình xử thêm tội mới. Cuối cùng chúng tuyên án tôi 20 năm tù khổ sai...
Người cộng sản trẻ vừa 21 tuổi đã phải chịu hai án, tổng cộng 38 năm tù khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Mãi đến tháng 8.1945, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Côn Đảo được giải phóng! Ông Trương An cùng gần 2.000 tù chính trị được Đảng và chính quyền cách mạng cử đoàn tàu ra Côn Đảo rước về đất liền vào cuối tháng 9.1945.
5. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Trương An lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trên nhiều địa bàn và với nhiều vị trí khác nhau. Ông từng là Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai..., được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh...
Năm 1953, Trương An làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai kiêm Chính ủy Trung đoàn 120, trụ sở lúc đó đóng tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Lúc này người dân thường gọi tên ông Trương An là ông Hiền. Mà ông thật hiền đúng như tên gọi. Tại đây ông mới có điều kiện tìm hiểu và lập gia đình với chị Tư tôi là Bùi Thị Xuân Lâm, con gái của đồng chí Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh. Chiều muộn ngày 6.3.1954, chờ cho máy bay Pháp không còn quần đảo trên bầu trời, các anh bộ đội trong Trung đoàn 120 cùng gia đình mới thắp đèn tổ chức đám cưới cho anh chị. Từ đó với cái tên Hiền, ông Trương An trở thành người con rể hiếu thảo của tía má tôi và của đất Vĩnh Thạnh kiên cường.
BÙI THỊ XUÂN MAI