Tăng tốc chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được tiến hành ở nhiều lĩnh vực đang đi đúng lộ trình, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, cho biết: Tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện CĐS đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên, với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Chuyển đổi số trong dịch vụ công
Triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CĐS đã và đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt.
Cán bộ, chiến sĩ CA tỉnh hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: Q.HÙNG
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 22/38 nhiệm vụ (trong đó có 33 nhiệm vụ theo kế hoạch, 5 nhiệm vụ phát sinh do Trung ương giao); 16 nhiệm vụ mang tính thường xuyên đang giải quyết, thực hiện theo lộ trình của Đề án đề ra. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh làm sạch dữ liệu dân cư phục vụ chia sẻ, kết nối, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đáng chú ý, giữa tháng 6 vừa qua, Bình Định là tỉnh thứ 4 trong toàn quốc hoàn thành các nội dung tích hợp với phần mềm dịch vụ công liên thông để phục vụ thực hiện dịch vụ công đối với 2 thủ tục: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Hiện nay, dịch vụ công nhiều tiện ích này được triển khai trong toàn tỉnh, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Ông Lê Ngọc An, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho hay: “Trước đây, để làm được các thủ tục hành chính này, người dân phải mất 6 lượt đi/lại khi phải đến nhiều cơ quan, trong đó có UBND cấp xã, CA xã, BHXH cấp huyện để nộp từng hồ sơ thủ tục hành chính. Giờ đây, người dân có thể tự làm ở nhà thông qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đến UBND cấp xã để nhận 3 kết quả một lúc”.
Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh ứng dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh. Đến cuối tháng 6.2023, có 82/195 cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai hoạt động này. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán để thực hiện thu học phí và các khoản thu khác theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện có 54/54 trường THPT và phòng giáo dục tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh cho hơn 219 nghìn người…
Hoàn thiện nhiều hệ thống, nền tảng số
Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống, nền tảng số cho phát triển chính quyền số. Theo đó, năm 2023, tập trung triển khai 30 hệ thống/nền tảng/phần mềm dùng chung. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng, gồm các hệ thống: Thông tin phòng chống thiên tai; thông tin quản lý trường học; thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức và quản lý công việc. Các cơ sở dữ liệu, nền tảng số khác, như: Hệ thống thông tin quản lý đất đai, thông tin quản lý khoáng sản, thông tin quản lý công tác đầu tư công của tỉnh, bản đồ số dùng chung, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử tỉnh, hay kho dữ liệu số tỉnh Bình Định… đang được các đơn vị chủ trì hoàn thiện và triển khai thử nghiệm.
Viên chức Sở TT&TT điều hành các dịch vụ của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Ảnh. T.LỢI
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), với sự hỗ trợ của thông tin phòng chống thiên tai, công tác dự báo, điều hành, chỉ đạo đi trước một bước giúp các địa phương, người dân chủ động sớm trong việc ứng phó, di dời. Đây là phần mềm được ngành chức năng xây dựng theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, nguồn lực của từng địa phương.
Ông Trần Kim Kha cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì, vận hành các hệ thống, nền tảng số dùng chung của tỉnh (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Cổng Dịch vụ công của tỉnh; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh). Song song với đó, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 44 về CĐS năm 2023, định hướng đến năm 2025 đảm bảo đúng tiến độ, đạt các yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, thành viên tổ công nghệ số thanh niên. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, trong đó, tiếp tục triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 để phục vụ người dân và DN. Tăng cường triển khai một số vấn đề liên quan đến việc cấp, sử dụng tài khoản định danh mức độ 2 trên địa bàn tỉnh (tích hợp thông tin thẻ BHYT, BHXH, giấy chứng nhận đăng ký xe, GPLX…) tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.
ĐẠI NAM