Tiếp tục lan tỏa tinh thần sáng tạo trong thanh, thiếu niên
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng được UBND tỉnh tổ chức hằng năm đã tạo sân chơi trí tuệ, lành mạnh, bổ ích cho thế hệ trẻ. Từ đó, phát huy tài năng, tư duy sáng tạo, tích cực đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng (gọi tắt là Cuộc thi) do UBND tỉnh tổ chức đầu tiên vào năm 2013, khi đó chỉ có 4 giải pháp tham dự với những mô hình, giải pháp rất đơn giản. Qua 10 năm triển khai, đến năm nay, Cuộc thi thu hút nhiều giải pháp tham dự nhất với 92 sản phẩm, mô hình trên 5 lĩnh vực, tăng 20 giải pháp so với năm 2022.
Lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có nhiều giải pháp tham dự nhất, với 36 giải pháp. Các lĩnh vực còn lại, như: Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 20 giải pháp; sản phẩm thân thiện với môi trường có 15 giải pháp; phần mềm tin học có 11 giải pháp; đồ dùng dành cho học tập có 10 giải pháp. Trong số này có nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao trong học tập, đời sống và sản xuất, góp phần vào sự phát triển KT-XH ở địa phương.
Căn cứ vào kết quả chấm thi của Hội đồng giám khảo Cuộc thi, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định trao giải thưởng cho 49 giải pháp đoạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 25 giải khuyến khích. Ban tổ chức Cuộc thi đã chọn 10 giải pháp đoạt giải gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19, năm 2023.
Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định, Trưởng ban Ban tổ chức Cuộc thi năm nay, đánh giá: Với vai trò là cơ quan thường trực, hằng năm, Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định đã phối hợp với các sở: KH&CN, GD&ĐT, Tỉnh đoàn và các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên tham gia Cuộc thi. Qua 10 lần tổ chức, Cuộc thi không ngừng lan tỏa tinh thần sáng tạo trong thanh, thiếu niên. Nhiều em học sinh sau khi rời ghế nhà trường vẫn tiếp tục say mê nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm hữu ích đối với đời sống cộng đồng.
Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở GD&ĐT trao giấy khen, biểu trưng và giấy chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải ba Cuộc thi. Ảnh: T.LỢI
Dù có nhiều thành công đáng ghi nhận nhưng việc tổ chức Cuộc thi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục, như: Nhiều mô hình, sản phẩm tham gia dự thi mang tính hình thức, chưa có sự đầu tư nghiêm túc, vẫn còn sao chép, trùng lắp với sản phẩm đã có trên thị trường, chưa có tính mới, sáng tạo. Một số sản phẩm, mô hình còn có sự can thiệp quá sâu, quá rõ ràng từ phía phụ huynh, giáo viên. Mặt khác, nhiều sản phẩm tham gia Cuộc thi chỉ dừng lại ở ý tưởng, thiếu tính sáng tạo, chưa phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, lãnh đạo một số đơn vị liên quan chưa thật sự quan tâm chỉ đạo triển khai Cuộc thi, nhất là ở các huyện miền núi, trung du của tỉnh.
Trường THCS Cát Tường (Phù Cát) là một trong các đơn vị có nhiều giải pháp đoạt giải thưởng tại Cuộc thi năm nay. Nói về kinh nghiệm trong công tác vận động, hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi, thầy giáo Lê Văn Minh chia sẻ: “Để thực hiện tốt những mục đích và yêu cầu đảm bảo chất lượng giải pháp tham dự Cuộc thi, trước hết giáo viên hướng dẫn phải là người đam mê nghiên cứu khoa học, là cầu nối truyền niềm đam mê đến học sinh trong toàn trường. Hơn nữa, giáo viên hướng dẫn phải nắm bắt rõ các thông tin, quy định của Cuộc thi, từ đó vạch kế hoạch cụ thể để tham mưu cho Ban giám hiệu nhằm chuẩn bị tốt nội dung triển khai Cuộc thi trong nhà trường. Muốn có đề tài chất lượng thì phải thực hiện các bước: Thi ý tưởng sáng tạo - giúp học sinh xây dựng đề cương sơ lược - tổ chức, hướng dẫn thu thập thông tin, phân tích, sử dụng dữ liệu - hướng dẫn học sinh viết báo cáo và rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho học sinh”.
Để thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tham gia Cuộc thi nhiều hơn nữa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, với vai trò là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi cần phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức Cuộc thi trong thời gian đến. Đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích triển khai sâu rộng, lan tỏa Cuộc thi rộng khắp đến các huyện, thị xã, thành phố, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, thu hút đông đảo học sinh, thanh thiếu niên và nhi đồng tham gia.
TRỌNG LỢI