Hiểm nguy từ nạn chó thả rông
Cuối tháng 7.2023, đã xảy ra trường hợp đáng tiếc khi một trẻ 3 tuổi đi du lịch cùng gia đình tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) bị chó cắn rách mặt, phải khâu đến 30 mũi. Sự việc này lần nữa báo động những hiểm nguy rình rập từ tình trạng chó thả rông, không rọ mõm tại các địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Hiểm nguy rình rập
Chó nuôi, nhất là ở khu vực nông thôn, hầu hết đều thả rông và không rọ mõm. Tình trạng chó nuôi bất ngờ lao ra đường gây TNGT hoặc tấn công người đi đường xảy ra khá thường xuyên.
Đầu tháng 8.2023, khi đang lưu thông trên đường, chị N.T.T.H. (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) bất ngờ tông phải chó lao sang đường, hậu quả chị H. bị ngã dẫn đến va chạm với xe máy đang lưu thông trên đường. Sự việc khiến cả 2 nạn nhân phải nằm viện nhiều ngày vì chấn thương.
Chó thả rông, không rọ mõm tại một khu dân cư ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: X.Q
Chị D.T.A. (ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) chưa hết bàng hoàng khi kể lại thời điểm tháng 1.2023, chị đang chở con đi trên đường, bất ngờ bị chó dữ đuổi theo và tấn công. Hậu quả con gái chị bị chó cắn phải may 4 mũi, chị vì quá hoảng loạn nên bị mất tay lái dẫn đến ngã và bị xây xước tay chân.
“Con tôi sau khi bị chó dữ tấn công phải đi tiêm phòng, tâm lý rất hoảng sợ, đêm ngủ thường giật mình khiến tôi rất xót xa. Bây giờ, khi đi qua khu vực khu dân cư, tôi luôn cảnh giác và quan sát kỹ”, chị A. cho hay.
Còn anh H.X.M. (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) là tài xế, thường xuyên lái xe trên đường. Va phải chó chạy sang đường là chuyện thường ngày, chưa kể có nhiều con đường quê thường có chó dữ rượt đuổi theo người đi đường, khiến anh rất sợ. Anh thường chọn đi đường vòng để tránh những đoạn đường hay xuất hiện chó thả rông.
Ý thức chủ nuôi là quan trọng nhất
Để xảy ra những hậu quả đáng tiếc do chó thả rông, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức của chủ nuôi. Tại các vùng nông thôn, quy định về chó thả rông chưa được triển khai nghiêm túc, nhiều chủ nuôi lơ là trong việc kiểm soát, quản lý vật nuôi.
Đầu tháng 5.2023, chị L.T.H.L. (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đang đi xe đạp thì chó trong nhà dân bất ngờ nhảy xổ ra cắn khiến chị phải may 5 mũi và tiêm ngừa phòng dại. Đáng nói, vì điều kiện gia đình khó khăn nên chị đề nghị chủ vật nuôi đền bù; tuy nhiên người chủ luôn từ chối và không nhận đó là vật nuôi của mình. “Nếu chó được xích lại thì tôi đã không bị tấn công. Chưa kể chủ nuôi phớt lờ để tôi tự chịu hậu quả, khiến tôi rất ấm ức”, chị L. kể.
Việc chó thả rông dễ lây lan mầm bệnh dại, có thể gây chết người nếu bị chó dại cắn phải. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi thường không tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.
Ông D.B.A. (chủ một cơ sở thú y ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) cho biết: “Đa phần vật nuôi đến tiêm phòng thường là chó mèo nuôi làm cảnh có giá trị. Người dân có tâm lý coi nhẹ chó nuôi để giữ nhà. Nhiều chủ nuôi thường để chó đi lang thang, khi bị nhiễm bệnh mới mang đến cho bác sĩ thú y chạy chữa, trong đó có nhiều trường hợp chó bị bệnh dại”.
Để tránh hậu họa xảy ra, người nuôi chó phải nhốt, xích kỹ. Khi dắt vật nuôi ra đường, cần rọ mõm và kiểm soát. Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi. Khi có hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi cần có trách nhiệm đối với người bị nạn. Chính quyền và các ngành chức năng cần xử lý đúng quy định pháp luật để loại bỏ thói quen nuôi chó thả rông.
XUÂN QUỲNH