Xây dựng chính quyền điện tử thân thiện, gần gũi
Hai chuyên mục “Công dân hỏi” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và “Hỏi - Ðáp” ở Cổng Dịch vụ công tỉnh đã giúp công dân có thể gửi phản ánh, câu hỏi thắc mắc trên nhiều lĩnh vực với chính quyền địa phương. Qua đó, giúp tỉnh xây dựng chính quyền điện tử thân thiện, gần gũi.
Ông Lê Ngọc An, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết: Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy công dân, DN làm trung tâm phục vụ, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai chuyên mục “Công dân hỏi” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Định (binhdinh.gov.vn) và chuyên mục “Hỏi - Đáp” tại Cổng Dịch vụ công tỉnh (dichvucong.binhdinh.gov.vn). Cụ thể, chuyên mục “Hỏi -Đáp” tiếp nhận và giải đáp những câu hỏi của tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Chuyên mục “Công dân hỏi” cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời những vướng mắc và các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của công dân, DN đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Các cá nhân gửi câu hỏi trực tuyến đến chuyên mục “Công dân hỏi” và sau đó sẽ được chính quyền tiếp nhận trả lời.
Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, có 52 câu hỏi được công dân gửi lên chuyên mục “Công dân hỏi”, trong đó có 49/52 câu hỏi đã có văn bản trả lời, các trường hợp còn lại đang được xử lý; chuyên mục “Hỏi - đáp” tiếp nhận 187 câu hỏi của công dân và đã trả lời 149 câu, còn lại đang xử lý. Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh đã theo dõi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh tiếp nhận, trả lời 82 phản ánh, kiến nghị được công dân gửi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chuyên mục Phản ánh, kiến nghị); hiện còn 8 phản ánh, kiến nghị đang tiếp tục xử lý.
Ông Lê Ngọc An cho biết thêm: Chỉ cần có thiết bị đầu cuối có kết nối internet, ai cũng có thể gửi phản ánh, hỏi đáp thắc mắc ngay với chính quyền ở nhiều lĩnh vực. Sau khi tiếp nhận các câu hỏi, thắc mắc, Văn phòng UBND tỉnh sẽ phân loại và chuyển đến các cơ quan liên quan để xem xét trả lời theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trả lời các câu hỏi không quá 4 ngày làm việc, trường hợp câu hỏi mang tính chất phức tạp, cần có sự phối hợp liên ngành thì việc gửi câu trả lời không quá 7 ngày làm việc và phải có thông tin phản hồi để chúng tôi phản hồi đến tổ chức, cá nhân. Đối với câu hỏi chuyển đến không thuộc phạm vi, lĩnh vực hoạt động, thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị thì chậm nhất 1 ngày kể từ khi tiếp nhận câu hỏi phải phản hồi lại cho Văn phòng UBND tỉnh để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sau khi có kết quả phản hồi từ các cơ quan, đơn vị, Văn phòng UBND tỉnh công khai kết quả trả lời trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Định.
Đối với chuyên mục “Hỏi - Đáp”, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm làm đầu mối tiếp nhận câu hỏi của tổ chức, cá nhân gửi đến. Chậm nhất 2 ngày kể từ khi tiếp nhận câu hỏi, Văn phòng sẽ rà soát nội dung, phân loại câu hỏi chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, trả lời theo quy định. Trường hợp câu hỏi gửi đến ngoài giờ hành chính thì thời điểm tiếp nhận câu hỏi được tính tại thời điểm bắt đầu buổi làm việc tiếp theo. Trường hợp câu hỏi không đảm bảo các quy định theo quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, trong thời hạn 1 ngày làm việc, Văn phòng UBND tỉnh sẽ phản hồi với tổ chức, cá nhân về việc không tiếp nhận, xử lý câu hỏi. Thời hạn trả lời kể từ khi tiếp nhận câu hỏi chậm nhất 3 ngày làm việc; trường hợp nội dung câu hỏi mang tính chất phức tạp, cần có sự phối hợp liên ngành thì đơn vị được gửi câu hỏi chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét trả lời trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc và phải có thông tin phản hồi lại với tổ chức, cá nhân…
Các câu hỏi gửi đến Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định được trả lời sau khi tiếp nhận.
Cuối tháng 8.2023, ông Lê Ngọc Tuấn, ở TP Đà Nẵng phản ánh tình trạng “cò” tại một đơn vị y tế đóng ở địa bàn Quy Nhơn lôi kéo người bệnh vào phòng khám tư. Sau hơn 2 ngày, ông nhận được câu trả lời cụ thể và đã chia sẻ: “Trước đây, công dân, DN muốn phản ánh, kiến nghị tới chính quyền phải đến các cơ quan, đặt lịch làm việc, hoặc chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố hay gọi điện qua đường dây nóng, thì nay có thể phản ánh tới chính quyền ở mọi lúc, mọi nơi dễ dàng và nhanh chóng thông qua Internet”.
Ông Lê Ngọc An khẳng định, UBND tỉnh luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao tiếp, tương tác với công dân, DN thông qua các kênh giao tiếp “phi truyền thống”, đây sẽ dần trở thành kênh giao tiếp chủ yếu trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số.
TRỌNG LỢI