Mùa vui từ ruộng đồng Tuy Phước
Nhìn vào bản đồ, đồng ruộng huyện Tuy Phước nằm trọn trong vòng ôm của hạ lưu sông Hà Thanh phía Nam, sông Côn phía Bắc, cùng nhiều nhánh sông nhỏ, bồi đắp phù sa màu mỡ. Ðặc biệt, từ khi hồ chứa nước Ðịnh Bình và đập dâng Vân Phong đi vào sử dụng, nông dân Tuy Phước được hưởng lợi lớn khi nước tưới có đủ quanh năm. Nhưng vựa lúa Tuy Phước phát triển mạnh mẽ không chỉ cậy vào mỗi một nước tưới.
Niềm vui to từ cánh đồng lớn
Theo lời kể của nhiều lão nông, đồng bằng Tuy Phước vốn là nơi “mới nắng đã hạn, mới mưa đã úng” nên suốt nhiều thế hệ người dân nơi đây không ngừng cải tạo đất đai, đào mương, đắp đập, chống hạn, ngăn lũ, thau chua rửa mặn để dệt nên mùa vàng no ấm, bội thu từ công lao khó nhọc cấy cày.
Theo thống kê, với sản lượng trên 100 nghìn tấn lúa hàng hóa/năm, Tuy Phước hiện là địa phương có sản lượng lúa cao nhất tỉnh. Đáng chú ý Tuy Phước cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện những mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn; là địa phương tổ chức tốt hoạt động liên kết và cung ứng lúa giống theo chuỗi thông qua việc kêu gọi các công ty và tập đoàn sản xuất giống lớn, như: Công ty CP tập đoàn VinaSeed, Công ty CP tập đoàn ThaiBinh Seed và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ… Hằng năm Tuy Phước liên kết sản xuất hơn 1.000 ha diện tích, qua đó mỗi năm cung ứng trên 5.000 tấn lúa giống, đem lại lợi nhuận tăng thêm so với trồng lúa thông thường cho nông dân từ 8 - 10 tỷ đồng.
Nông dân xã Phước Hiệp thu hoạch lúa vụ Thu 2023. Ảnh: X.VINH
Trong bối cảnh hiện nay, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích chỉ có con đường liên kết sản xuất - tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và nông dân thay đổi dần tư duy sản xuất, không thể mãi nghĩ theo kiểu ”trước bày nay theo”. Trong năm 2023 Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện phê duyệt hỗ trợ hơn 974 triệu đồng cho 2 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống với tổng diện tích 47,5 ha/240 hộ; thời gian thực hiện kéo dài liên tục trong 3 vụ sản xuất từ vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023.
Cái lợi có tính chiến lược của việc liên kết sản xuất, là nhờ đó nông dân sẽ sử dụng cùng một loại giống, một chế độ canh tác, cùng ứng dụng một tổ hợp KHKT, công nghệ, đầu tư hợp lý, tiết kiệm toàn bộ từ giống, phân bón đến cả nước tưới. Sản xuất như vậy còn giúp giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Theo chiến lược của Tuy Phước, HTXNN là tổ chức đại diện nông dân ký hợp đồng với các công ty làm dịch vụ cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiêu thụ sản phẩm... Từ hình mẫu đó, năm 2023 nông dân huyện Tuy Phước đã thực hiện hơn 2.834 ha cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; trong đó riêng phần liên kết sản xuất lúa giống có 784,8 ha - nhờ mối liên kết này mà nông dân đã có lợi nhuận tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng.
Trò chuyện với tôi, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, phấn khởi chia sẻ: Phòng đã tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu, như: Sắp xếp, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp; sử dụng các giống lúa có năng suất cao, ổn định, chất lượng giống tốt phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương, tích cực hỗ trợ để bà con tiếp cận và làm chủ KHKT, công nghệ trong sản xuất, triển khai thật tốt các kế hoạch liên kết đã được tỉnh, huyện phê duyệt... Liên tục được mùa trong bối cảnh rất nhiều khó khăn thật sự là thành công rất lớn.
Sử dụng drone phun thuốc BVTV tại xã Phước Quang.Ảnh: X.VINH
Hướng đến sự bền vững
Hiện nay, huyện Tuy Phước đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất theo Chương trình hành động của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã bố trí lại vùng sản suất lúa giống, lúa chất lượng cao và cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc diệt cỏ không chọn lọc trước vụ sản xuất...
Bên cạnh đó, yêu cầu được đặt ra lúc này là tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất lúa gạo để việc phòng, diệt trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường. Và điển hình là việc UBND huyện phê duyệt kế hoạch hỗ trợ hơn 243,2 triệu đồng, sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại trên tổng diện tích 235,26 ha/1.021 hộ ở Phước Quang, Phước Hưng.
Ông Nguyễn Văn Ghe, Phó Giám đốc HTXNN Phước Quang cho biết: Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, chúng tôi đã ký hợp đồng thuê Tập đoàn Lộc Trời dùng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV cho toàn bộ diện tích liên kết sản xuất lúa giống tại địa phương. Chúng tôi mạnh dạn triển khai rộng rãi bởi cách làm này đã chứng thực lợi ích rõ ràng: Diệt sâu bệnh đồng bộ trên diện rộng, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí công phun thuốc, bảo vệ sức khỏe nông dân tốt hơn nhờ hạn chế tiếp xúc với hóa chất BVTV.
Tuy Phước đã và sẽ tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, khai thác tốt các điều kiện thuận lợi, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đây cũng là tiền đề để huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 theo nghị quyết huyện Đảng bộ lần thứ 22 đã đề ra giai đoạn 2020 - 2025.
***
Khi làm tư liệu cho bài viết này, tất cả nông dân tham gia thực hiện “cánh đồng to” - như bà con hay nói vui - mà tôi có cơ hội trò chuyện đều phấn khởi và hết sức hài lòng! Sản xuất nông nghiệp Tuy Phước có được những thành công vượt bậc, được mùa vụ Đông Xuân, kế đó vụ Hè Thu lại tiếp tục được mùa; điều đó có thể đo đếm bằng số liệu, tính toán đối chiếu để xác tín. Nhưng với một người có nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nông dân như tôi, tôi đo bằng những nụ cười rạng rỡ của bà con trong nỗ lực vì những mùa vàng trên ruộng đồng quê hương.
XUÂN VINH