Chính sách & cuộc sống
Những năm gần đây, thực tế đã diễn ra nhiều trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhưng khó thi hành và không đi vào cuộc sống được vì không phù hợp thực tế, phải chỉnh sửa nhiều lần; thậm chí có một số quy định, hoặc đề xuất chính sách thuộc vào loại… “bất khả thi” khiến cho người dân phản ứng, không đồng thuận.
Có thể kể đến một số quy định “nổi cộm” như: ngực lép không được đi xe máy trên 50 phân khối; xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ; không được bán thịt động vật quá 8 giờ kể từ khi giết mổ; cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng…; Và gần nhất là đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về việc đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Đề xuất này được các chuyên gia tài chính cho là một đề xuất “lạ lùng” và “bất khả thi” bởi sự thiếu hiểu biết và phi đạo lý của nó! Lạ lùng là vì trong Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.7 tới, các khoản thu nhập phải chịu thuế không có quy định khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm. Còn bất khả thi là vì không thể thực hiện vì như vậy sẽ là thuế chồng thuế, chưa nói người gửi tiền sẽ tìm cách lách luật bằng trăm ngàn cách khác nhau. Các phân tích cũng chỉ ra rằng, mục đích của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khi đề xuất đánh thuế này là để hướng đồng vốn vào kênh bất động sản, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của thị trường này chỉ vì lợi ích cục bộ của họ mà thôi. Thị trường bất động sản tắc không phải do người dân dồn vốn vào việc gửi tiết kiệm mà do sản phẩm, giá cả không hợp lý, không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Như vậy, việc xây dựng chính sách, luật không thể theo hướng chỉ nhằm quản lý người dân, “ép” phải thực hiện theo ý kiến chủ quan “hễ không quản được thì cấm”!
Mới đây, Bộ Tư pháp cũng đã nhìn nhận thực trạng này và khẳng định Bộ này sẽ tăng cường giám sát để giảm tối đa tình trạng “chính sách ở trên trời” gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, các dự thảo chính sách cũng cần phải được người dân tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi, công khai, lành mạnh và được cơ quan soạn thảo lắng nghe một cách trọng thị, tiếp thu chọn lọc chắc chắn khi ban hành sẽ tạo được sự đồng thuận xã hội cao. Một khi các chính sách ban hành ra sát với đời sống, tạo môi trường thuận lợi cho người dân phát huy các quyền của mình sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của xã hội.
HẢI ĐĂNG