Người dân nông thôn bắt nhịp với thanh toán trực tuyến
Thanh toán trực tuyến đang phát triển rộng rãi với nhiều hình thức như thanh toán bằng thẻ, quét mã QR, cổng thanh toán điện tử… Gần đây, hình thức thanh toán qua mã QR được nhiều người chọn dùng, đặc biệt tại các tiệm tạp hóa, cửa hàng mua bán nhỏ ở khu vực nông thôn. Có thể xem đây là tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số ở nông thôn.
Xu hướng thanh toán bằng hình thức quét mã QR đang len lỏi vào từng góc chợ, quầy hàng nhỏ… Hiện nay, tại các khu chợ truyền thống, không khó để bắt gặp hình ảnh các mã QR được dán tại các quầy hàng, nhằm giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Từ những đơn hàng nhỏ đến những đơn có giá trị lớn, chỉ cần vài giây quét mã là đã thanh toán xong. Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Phù Cát (huyện Phù Cát), chia sẻ: Khi được giới thiệu về thanh toán qua mã QR của Viettel Pay, tôi liền đăng ký dùng ngay. Hình thức này tiện lợi cho cả người bán và người mua, hạn chế nhầm lẫn khi cần trả tiền thừa cho khách, hơn nữa hai bên đều tìm thấy lợi ích qua cách thanh toán này.
Người mua không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, người bán cũng không cần phải loay hoay chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách; cả người bán và người mua cùng thoải mái nên ngày càng có thêm nhiều người dùng. Nhờ các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường giới thiệu, tiếp thị nên hiện nay trong điện thoại của rất nhiều người buôn bán nhỏ ai cũng có vài ba ứng dụng cho phép thanh toán bằng mã QR.
Tại huyện Phù Cát, mô hình “Chợ 4.0 - đi chợ không dùng tiền mặt” đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Nói về sự phổ biến của việc thanh toán bằng mã QR, chị Lê Thị Thắm, chủ quán nước nhỏ tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát, chia sẻ: Hầu hết người buôn bán nhỏ trong xã đều đã có mã QR, không của ngân hàng thì của các ví điện tử, phổ biến nhất là của Viettel Pay, VNPay, Momo. Ban đầu tôi cũng ngại nhưng ngày càng có nhiều người muốn thanh toán bằng hình thức này, khách hàng đã muốn thì mình phải theo, nên tôi cũng làm mã QR dán ở quầy nước cho tiện.
Thường xuyên thanh toán qua quét mã QR, anh Dương Công Toàn ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát nhận xét: “Tôi thấy việc thanh toán bằng mã QR rất tiện, tránh sai sót không đáng có. Ngoài ra, khi thanh toán xong sẽ có biên lai xác nhận nên bên nào cũng yên tâm”.
Thực tế đời sống, kinh doanh hậu đại dịch Covid-19 cho thấy, sau khi khẳng định tính hiện đại, sự tiện lợi, nhanh chóng ở khu vực thành thị, hình thức thanh toán bằng mã QR lan tỏa đến khu vực nông thôn nhanh hơn rất nhiều. Chị Huỳnh Thị Lệ Trâm, chủ quầy tạp hóa ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho biết: Chính những người bỏ mối hàng cho tôi hướng dẫn tôi sử dụng mã QR để thanh toán. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi lại là người chỉ lại cho khách hàng của mình. Mọi thứ rất tiện lợi, chính xác, nhanh chóng. Là một người bán lẻ, tôi dễ dàng rà soát lại các thanh toán của khách hàng; việc đối chiếu đơn hàng, giá trị thanh toán, mọi thứ đều có công cụ ghi nhận tự động chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.
Tương tự, chị Lê Thị Mỹ Huyền, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh tâm sự: Thanh toán bằng mã QR là phương thức thanh toán có nhiều lợi ích, nhiều người quen dùng rồi. Để trắc nghiệm sự cần thiết của nó, chỉ cần gỡ mã QR khỏi cửa hàng là sẽ thấy khách hàng khó chịu ra sao ngay.
“Ở vùng nông thôn tỉnh ta hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR được nhiều người sử dụng. Thói quen này hình thành khá nhanh và lan tỏa rộng. Sở TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định cùng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai nhiều phương án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Từ đó, người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt góp phần đạt chỉ tiêu chuyển đổi số, phát triển xã hội số”.
Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT, thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh
ÐIỂM HỒ - KIỀU VY