Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia
Từ ngày 21 - 22.9, tại TP Quy Nhơn, Hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ XXIV - năm 2023 sẽ diễn ra. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Hội thảo, đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh xung quanh sự kiện này.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Hội thảo
Hội thảo lần này có chủ đề “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”, do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút gần 800 đại biểu đến từ các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, diễn giả, các DN về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) tham dự.
* Vì sao tỉnh Bình Định được Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội thảo lần này, thưa ông?
- Đầu tiên, tỉnh Bình Định là một trong những địa phương của cả nước có nhiều thay đổi vượt bậc trong thực hiện chuyển đổi số, điều này thể hiện qua nhiều khía cạnh.
Cụ thể, về hạ tầng cho chuyển đổi số, hiện Quy Nhơn - Bình Định có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế dung lượng băng thông lớn (ADC và SJC2) có trạm cập bờ tại TP Quy Nhơn, đưa Quy Nhơn trở thành “cửa ngõ” để kết nối với thế giới và là “nút giao thông” quan trọng trong không gian mạng.
Mặt khác, hiện nay, tỉnh Bình Định đã bắt đầu hình thành và phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT thông qua việc thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, đặt mục tiêu xây dựng Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu tại Việt Nam với Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ.
Tiếp nữa là nhân lực CNTT của Bình Định đủ đáp ứng cho lộ trình thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bình Định đã tập trung xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, làm nền tảng cho việc xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh…
Kỹ sư CNTT làm việc tại Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh. Ảnh: T.LỢI
* Ông có thể khái quát các mục tiêu mà Hội thảo hướng đến?
- Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển CNTT-TT giữa các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN, góp phần phát triển KT-XH. Là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.
* Đâu là điểm nhấn tại Hội thảo lần này, thưa ông?
- Hội thảo năm 2023 sẽ bám sát vào các vấn đề, triển khai theo định hướng, chủ trương của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực mang lại giá trị phục vụ người dân, DN và xã hội. Đồng thời, bám sát các nội dung quan trọng về chuyển đổi số trong năm 2023, đặc biệt là chủ đề về năm dữ liệu số quốc gia.
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn nghiên cứu thành công sản phẩm akaCam phân tích hành vi, theo dõi và ghi lại hoạt động của con người trong văn phòng. Ảnh: T.LỢI
Do đó, ngoài phiên thảo luận chung, Hội thảo còn diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề, với các điểm nhấn được thể hiện qua nhiều khía cạnh nội dung. Chẳng hạn, với cấp Trung ương thì hướng đến các vấn đề như: Chính phủ số - những thành tựu đạt được, các giải pháp cho giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kết nối các ứng dụng cấp quốc gia và địa phương; khai thác, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành…
Đối với cấp tỉnh, sẽ tập trung vào định hướng xây dựng kho dữ liệu, trung tâm dữ liệu dùng chung, liên ngành cấp tỉnh; vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ nhiệm vụ xây dựng kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; số hóa dữ liệu, kết nối, tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ chính quyền số, phát triển KT-XH; hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Về giải pháp, công nghệ và phát triển nguồn lực CNTT thì tập trung vào các giải pháp, nền tảng hỗ trợ ra quyết định dựa vào dữ liệu; các mô hình xây dựng trung tâm dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số; phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ việc xây dựng hạ tầng đồng bộ; an toàn an ninh trong xây dựng chính quyền số tại địa phương…
* Bình Định kỳ vọng sẽ thu được gì qua Hội thảo lần này?
- Năm 2023, tỉnh Bình Định được chọn đăng cai tổ chức Hội thảo. Đây là cơ hội để tỉnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh đến các tỉnh, thành trong cả nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số tại Bình Định.
Đặc biệt, qua Hội thảo, tỉnh Bình Định sẽ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, cách làm hay từ các bộ, ngành, địa phương trong cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có công tác xây dựng và hình thành kho dữ liệu dùng chung của toàn tỉnh. Từ đó, đảm bảo thống nhất việc chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu.
Ngoài ra, việc tập hợp các dữ liệu về kinh tế, tài chính, đầu tư, tài nguyên, dân cư, hộ tịch, cán bộ, công chức, viên chức… từ các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh cũng thuận lợi hơn. Qua đó, sớm xây dựng nền tảng thu thập, tích hợp dữ liệu từ các nguồn dữ liệu (phần mềm chuyên ngành, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia, nguồn dữ liệu khác), góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phát triển, lan tỏa hơn.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)