Đất và Người Quy Nhơn trong ký ức của tôi
Thi sĩ Chế Lan Viên có những câu thơ đầy chiêm nghiệm về những miền đất lạ mà ông từng đến dọc đường kháng chiến: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Đất có tâm hồn thì con đường cũng tương tự vậy. Là tôi muốn nói tới đường Ký Con ở thị xã Quy Nhơn, và rộng hơn là cả Quy Nhơn, nơi tôi có mấy năm gắn bó.
Tôi rất thích bài hát Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy bởi những hình ảnh diễm tình: Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ, con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh... Nhưng đó không phải là tiêu chuẩn “đường đẹp” định vị trong cảm thức thẩm mỹ của tôi. Bởi lẽ, khi trọ học ở 29 Ký Con trước năm 1975, đây là một con đường không hề xinh đẹp, nhưng tôi lại gởi gắm một tình yêu đằm thắm.
Tuyến đường Xuân Diệu được xem là tuyến đường đẹp nhất của thành phố biển Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
1. Đó là con đường vắng bóng cây xanh nếu không kể tới vài ba gốc trứng cá, nhành lá trĩu xuống vì ám nhiều lớp bụi, đa số cư dân thuộc tầng lớp cần lao. Hai bên đường Ký Con có khoảng chục căn nhà có gác xép, còn lại là nhà cấp 4. Đường lát đá dăm nhưng đã bong tróc, rải rác ổ gà. Hễ trời mưa bữa trước thì nước còn đọng tới mấy bữa sau.
Vậy nhưng tôi vẫn hay ngắm Ký Con mỗi lần đi học. Nhịp sống con đường chầm chậm, trễ nải. Trưa và xế chiều có mấy phụ nữ gánh đậu hũ, xu xoa đi bán dạo. Tiếng rao của họ phảng phất nỗi niềm thân phận. Cả dãy phố có chừng vài chục ăng ten ti vi trắng đen. Chiều tối, băng cassette nhà ai vọng ra những bản bolero buồn. Sập tối đường phố đi ngủ sớm.
Hình như Ký Con là con đường “đẻ muộn” khi đã hình thành hệ thống giao thông nội thị Quy Nhơn. Đường này gần như là đường của dân ngụ cư. Đến trường, Trung học Nhân Thảo được vài tuần, tôi đã có những bạn học là người Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh, Tuy Phước, nhiều nhất là dân đất “Phù” - Phù Mỹ, Phù Cát. Đường Ký Con lạ lắm, đã ngắn còn cong, uốn thành hình chữ U, hai đầu ăn thông với đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Trãi). Ở giữa khúc cua có con hẻm dẫn ra một cái chợ nhỏ nhóm ven đường Nguyễn Huệ. Đám trọ học thường rủ nhau đi chợ qua con hẻm này.
Mênh mang Quy Nhơn. Ảnh: TRẦN XUÂN TOÀN
2. Phạm Sơn, thằng bạn người Hoài Ân đùa: Đường này đạo chích “làm ăn” ghê lắm. Bị cảnh sát dí hay chạy vô để dễ thoát ra đầu kia. Nếu bị bịt hai đầu thì phi ra con hẻm. Tụi mình khéo không mất hết tiền bạc. Là Sơn nói vui thôi chứ ở đây bình yên lắm. Tôi và nhiều bạn khác từng làm rớt tiền ở chợ vẫn không mất nhờ mấy dì bán cá, bán rau ai thấy cũng kêu to: “Ê thằng nhỏ kia, rớt tiền, rớt tiền”. Tôi nhớ như in, ở Quy Nhơn chợ - từ chồm hổm cho đến chợ Lớn, chúng tôi mua hàng không phải mặc cả. Vì nói như một cô hàng xén: “Lũ bay mua gì cứ chỉ, miễn trả treo. Đất này không ai bóp hầu bóp họng học trò như lũ bay đâu”. Trời đất, nghe mà mát cả ruột, yên tâm. Với chúng tôi thì đây là một nét đẹp siêu văn hóa luôn!
Sát phòng trọ mấy đứa bọn tôi là nhà ông chủ đã cứng tuổi. Ông thứ Hai, tên Minh, người Phù Cát. Bọn tôi hay bị chú Hai Minh la khi cợt đùa lúc giữa khuya, khi tắm để nước nhỏ xuống giếng, khi cãi nhau xổ tiếng lóng khó nghe, khi tập con sáo nhà chú nói tào lao bậy bạ… Nhưng tiền trọ trễ nải thì chú Hai không hề la, dù chỉ một tiếng. Mãi đến giờ tôi chưa thấy ông chủ nhà trọ nào tử tế như chú Hai. Tới tháng, chú không bao giờ hỏi tiền trọ, có chậm vài tháng cũng không bị hăm đuổi đi. Không chỉ vậy, những ngày cuối tháng, ngó mâm cơm bọn tôi toàn rau luộc, xì dầu, đậu phụng, ông đi ngang để ghé vào trong mâm ít tiền bảo “cái này tao cho lũ bay. Mai đi chợ mua cái gì ăn cho có tí chất. Lên “kinh” kiếm chữ mà ăn như cơm tù thì làm sao… ứng thí”, rồi cười hề hề bỏ đi.
Noel năm đó lạnh như cắt da. Ba đứa học trò co ro trong tấm mền mỏng. Chú Hai đi kiểm tra la quá trời, ngủ sao không tắt điện? Bọn tôi sợ lắm, nằm im thin thít. Chú Hai về thì lát sau thím Hai gõ cửa phòng đưa cho bọn tôi hai cái mền bông khá dày. Bọn tôi bắt đầu có những đêm mùa đông ấm áp. Lại nghĩ đến ba mẹ mình có chăm thì cũng như vợ chồng chú Hai là cùng.
Những chị hàng xén, những bà mẹ tiểu thương và vợ chồng chú Hai Minh là hình ảnh thu gọn của chúng tôi về người Quy Nhơn, vậy đó!
Đường Lý Tự Trọng, trước năm 1975 là đường Ký Con.Ảnh: TRẦN XUÂN TOÀN
3. Tôi thân với Phạm Sơn, quê Hoài Ân. Sơn khá năng động, hay rủ tôi tắm biển Quy Nhơn, đạp xe ra Cầu Đôi, dạo phố Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo), ngắm nữ sinh Trinh Vương áo dài trắng như mây vờn trong phố… Cạnh phòng trọ của Sơn là nhà vợ chồng ông giáo tiểu học, có căn gác xép, dọc lan can chưng một hàng ớt kiểng. Nhỏ Hiệp, từ Vân Canh xuống ở mướn cho nhà này. Ngoài giữ em, Hiệp còn “mở” cái tủ nhỏ bán thuốc lá. Tôi với Sơn hay ôm guitar hát bài Mộng dưới hoa của Phạm Đình Chương, Dư âm của Nguyễn Văn Tý… Hiệp nhiều lần nghe trộm. Để ý, tôi thấy Hiệp bị “cảm”. Còn tôi thì “say nắng”. Những rung động đầu đời thật hồn nhiên. Tôi hay vờ xin ớt để nhìn khuôn mặt hiền hậu và cặp mắt to, hơi buồn của em. Có lần tôi được Hiệp cho cả túi ớt kèm mấy điếu thuốc lẻ. “Hút cho tỉnh để học bài”, Hiệp nói rồi chạy nhanh vô nhà. Với tôi, đó là lời nói “gây mê” nhất. Có lần về Quảng Ngãi nghỉ hè, tôi viết thư cho Sơn, “Tao nhớ mày, nhớ 29 Ký Con lắm”. Sơn thư lại: “Mày nhớ gì tao, nhớ em Hiệp thì có”.
Tối chủ nhật tôi thường ngủ lang tại phòng trọ của Sơn. Ngoài guitar, tôi và Sơn cũng rất mê thơ, biết Quy Nhơn là thành phố thi ca, hay tìm đọc thơ của nhóm Bàn thành tứ hữu. Một lần Sơn kể, quê tao có địa đạo Núi Bụt lừng danh. Không chỉ lính Ngụy mà cả lính Mỹ cũng ngán du kích Núi Bụt. Không chịu thua, tôi cũng khoe, nói Núi Bút (còn gọi là Thiên Bút phê vân, một thắng cảnh của Quảng Ngãi) quê tao đánh giặc cũng đâu có thua Núi Bụt quê mày. Sơn vỗ tay reo, “Núi Bụt với Núi Bút”! Nghe thân gần như tình bạn tụi mình. Làm hai câu thơ đi. Mỗi đứa một câu. Tôi làm trước: “Đêm Núi Bút nhớ về Núi Bụt. Câu sau của Sơn: Nhớ lắm nghĩa tình tạc một dáng Hoài Ân”. Hai “thi sĩ” tự khen “thơ vậy mới thơ”. Sơn “nổ”: Tao với mày đích thực là “Ký Con nhị hữu”.
Cuối năm 1974, tôi về quê ăn tết rồi biền biệt Ký Con. Dòng đời xô đẩy, có muốn làm người ở lại cũng không được. Tôi lại nhớ thằng Lãm, quê Tuy Phước, kể chuyện lúc anh nó “nhảy núi” khá ấn tượng: Một chiều giáp tết, ảnh đút tay túi quần, nói “Tao đi mua vài điếu thuốc” rồi miết tới giờ chưa gặp lại. Nghĩ, phút chia tay, người ta còn nói một câu. Tôi chẳng có câu nào với Ký Con hết. Thật tệ! Nhưng hóa ra tôi không chỉ nhớ Ký Con mà nhớ biển Quy Nhơn, nhớ các chị hàng xén, nhớ các mẹ tiểu thương, nhớ vợ chồng chú Hai Minh, nhớ em Hiệp, nhớ bọn thằng Sơn, thằng Lãm… Tôi biết là mình nhớ cả đất và người Quy Nhơn. Cũng phải thôi đất như thế, người như thế không nhớ thì lạ quá!
***
Cũng may, sau mấy năm biền biệt thì tôi lại có duyên trở lại với Quy Nhơn, nhưng đó là một câu chuyện khác. Ký Con, đường thì ngắn nhưng dài lắm tình người, tình bạn, dài lắm những kỷ niệm về một tình yêu non nớt.
Qua trang facebook của thầy Trần Xuân Toàn, giảng viên ĐH Quy Nhơn, người dạy lớp “sinh viên già” của tôi, tôi thảng thốt nhận ra một Ký Con hoàn toàn lột xác: Thảm nhựa phẳng lì, nhà cửa khang trang, vỉa hè cây cối xanh rờn, và Quy Nhơn còn lột xác gấp mấy chục lần so với trước đây. Thầm hẹn một ngày không xa, tôi sẽ tìm về dạo bước trên đường xưa, dừng lại ở nơi nghe tim mình đập những nhịp bồi hồi nhất. Khi ấy tôi sẽ reo thầm: Chỗ này, xưa là 29 Ký Con…
TRẦN CAO DUYÊN