Phú Phong - Ðất ấm tình người
Năm 2011 từ TP Ðà Nẵng, tôi về huyện Tây Sơn làm dâu, hằng ngày đi về làm việc trên đất Phú Phong. Tôi yêu “người Phú Phong” nên đã xác định sẽ phải mất một thời gian làm quen với “đất khách quê người”. Nhưng khi về đây, được sống, được làm việc, giao tiếp với bà con nơi đây, rất nhanh tôi thấy mình may mắn quá đỗi. Tôi có thêm một quê hương nữa, và trong câu chuyện với người thân xứ Quảng, tôi ấm áp gọi nơi này là “Phú Phong đất ấm tình người”.
Nơi phố thị hồn hậu, chân tình
Phú Phong là một thị trấn đẹp, những ngày này đang dần lên nét phố thị. Tết Độc lập năm nay cả thị trấn như được nhuộm thắm bởi sắc cờ Đảng, cờ Tổ quốc; đập dâng Phú Phong đang dần thành hình như dải lụa kết nối đôi bờ sông Côn. Nhiều tuần qua tôi hay đứng trên cầu Phú Phong lặng ngắm Phú Phong yêu thương trổ mã, lớn vụt lên.
Đã là người Tây Sơn, hít thở đời sống Phú Phong đã nhiều năm, nhưng mỗi khi cần nhận xét, phác họa chân dung thị trấn này tôi lại hay lùi lại một chút, chọn vị trí khách quan là một người xứ Quảng. Và trong con người khách quan ấy lần nào trong tôi cũng dâng lên một xúc cảm đặc biệt, điều mà nếu ở vị thế là một công dân Tây Sơn có lẽ tôi sẽ không thể có. Dường như tôi yêu mảnh đất này gấp đôi so với suy nghĩ trước đó, tình yêu ấy mỗi ngày một thêm đằm thắm.
Nếu bạn muốn tôi kể về đổi thay ở Phú Phong, rõ ràng nhất, dễ thấy nhất ta hãy cùng về Phú Xuân. Năm 2006 trước khi sáp nhập vào thị trấn Phú Phong, Phú Xuân chỉ là một thôn nghèo của xã Tây Xuân. Đứng ở góc nào cũng chỉ thấy những bãi cát trắng mênh mông với hun hút những lùm cây rù rì buồn thiu. Người Phú Xuân cậy vào nghề nông là chính, số ít còn lại đi làm mướn ở các lò gạch thủ công. Trò chuyện với tôi về cuộc “lột xác” của khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong), ông Võ Văn Sậu, Bí thư chi bộ khối Phú Xuân kể, Phú Xuân nghèo thật đấy chứ không phải tự thán mà ví von đâu! Nhưng chỉ sau mấy năm Phú Xuân đã diệu kỳ khác hẳn, đặc biệt là từ khi khu dân cư - dịch vụ bờ bao phía Nam sông Côn 21 ha mọc lên. Gần như liền ngay sau đó khu dân cư nhà vườn, khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn, đường phố, đèn điện, công trình công cộng… xuất hiện. Phố xá tinh tươm, nhà cửa khang trang, kinh doanh dịch vụ, thương mại phát triển. Hình ảnh trục đường chính Trần Hưng Đạo sầm uất chạy dọc bờ bao sông Côn đã đẩy cảnh buồn Phú Xuân vào quá vãng. Bây giờ hơn 720/1.200 hộ (60% số hộ) ở đây chuyển sang kinh doanh mua bán, thu nhập bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng/ người/ năm.
Phố xá sầm uất, nhà cửa khang trang, hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại phát triển tại đường Trần Hưng Đạo (khối Phú Xuân). Ảnh: Đ.N
Với mục tiêu trở thành đô thị có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, là một trung tâm du lịch cấp tỉnh gắn liền với các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và các tiềm năng du lịch khác, tạo động lực chính trong hành trình đưa Tây Sơn tiến lên thị xã những năm gần đây, Phú Phong nỗ lực vượt lên. Có thể kể đến hàng chục cây số đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa với hạ tầng kỹ thuật chiếu sáng, cây xanh bài bản, hệ thống cấp thoát nước đang dần hoàn chỉnh, những khu dân cư mới khang trang, cả công viên, chợ búa cũng tươm tất hơn…
Ông Nguyễn Thanh Diên, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong chia sẻ, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự linh hoạt, đổi mới trong tư duy sản xuất, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân…, Phú Phong đã bứt phá nhanh, mạnh mẽ và ra dáng một đô thị trẻ bên bờ sông Côn. Nhắc đến đô thị người ta hay nhắc đến đường phố, sản xuất kinh doanh… Phú Phong cũng sẽ như vậy thôi nhưng với cá nhân tôi, hai điểm mừng vui nhất là công viên cây xanh - chiếu sáng trang trí khiến Phú Phong lung linh hơn và đặc biệt là khi đời sống kinh tế khá lên thì bà con mình lại càng thêm hồn hậu, chân tình!
Nghe ông Diên… chốt hạ, những điều còn đang lửng lơ, bộn bề trong tâm trí tôi bỗng nhiên tự động sắp xếp mạch lạc, rõ ràng tầng nấc; trong tôi bừng lên niềm vui rộn rã như reo, một vùng đô thị có môi trường xanh tươi, con người thân thiện thì vùng đô thị đó nhất định đang tích lũy nguồn năng lực nội sinh ổn định, bền vững!
Trong vẻ đẹp tiềm ẩn
Phú Phong là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển du lịch. Khi tiếp đón bạn bè, người thân xứ Quảng lên thăm đất phát tích Phú Phong - Tây Sơn, tôi hay nói vui, trừ “biển” ra còn lại xứ Nẫu có thứ gì, Phú Phong - Tây Sơn có thứ đó. Trăm người như một đều trêu tôi là “nịnh quê chồng quá đáng”, thế nhưng chỉ sau một ngày thăm thú, khi tôi hỏi lại, ai cũng gật gù cho điều tôi nói là có lý! Thật ra công bằng mà nói, quê chồng của tôi rất đáng vinh danh!
Đến Phú Phong bạn có thể thăm Bảo tàng Quang Trung, dâng hương ở Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và văn thần võ tướng, viếng thăm đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân, đền thờ đại tư đồ Võ Văn Dũng, thăm lăng nguyên soái Mai Xuân Thưởng, check-in khu du lịch sinh thái Sen Nẫu, Bầu Đáo, trải nghiệm ở làng rau sạch Thuận Nghĩa, ngắm những nếp nhà cổ trăm tuổi có dư…Và nương theo bước chân đi là nhịp trống rền vang, là hơi gió của đường quyền dũng mãnh, liệu ở nơi nào nữa bạn tìm được cảm giác như vậy…
Phú Phong có nhiều thứ để ngắm, để xem, để trầm tư ngưỡng vọng tổ tiên mình khi bạn ngồi dưới bóng me di sản, vã lên gương mặt mình những gàu nước múc từ giếng trăm năm xưa Tây Sơn tam kiệt từng tắm mát, như khi bạn tản bộ dọc bến Trường Trầu hình dung những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa dội vang Tây Sơn, in bóng người anh hùng áo vải bách chiến bách thắng lẫy lừng… Với những gì được thừa tự từ tổ tiên, Phú Phong - Tây Sơn hoàn toàn có thể phát huy vào du lịch và thực tế ít nhiều đã khai thác thành công. Nhưng như thế là chưa đủ.
Trong một lần trò chuyện, ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thân tình cho biết, tỉnh Bình Định xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì huyện Tây Sơn cũng thế, với lõi động lực là Phú Phong. Từ năm 2019 đến nay, huyện và Sở Du lịch nhiều lần phối hợp tổ chức truyền thông cộng đồng về quy tắc ứng xử văn minh du lịch; bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại những nơi có khả năng thu hút đông du khách, để phát triển du lịch chúng tôi xác định - sự thân thiện của người Phú Phong - Tây Sơn là nguồn tài nguyên quý giá, nó như một chỉ dấu thương hiệu của du lịch Tây Sơn.
Quả thật sản phẩm du lịch đặc sắc nhất của Phú Phong không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, di sản văn hóa mà còn là sự thân thiện, hồn hậu, chân thành của cư dân địa phương. Sẽ còn ai xác nhận sự ấm áp ấy tốt hơn “cô gái xứ Quảng làm dâu xứ Nẫu”? Tôi từng ví von như thế và cách đây ít lâu, bất ngờ làm sao, tôi đã tìm thấy một sự xác nhận khác còn xuất sắc, tinh tế hơn.
“Bạn có tin không, bị kẹt giữa một cơn mưa ban trưa, tôi gõ cửa một ngôi nhà bên kia, xin tý nước sôi để chế tô mì tôm cho bữa trưa muộn. Tôi có tô mì nóng hổi và một chỗ ngồi ấm áp. Nhưng rất nhanh và bất ngờ, chị chủ nhà còn nhiệt tình mời thêm trái chuối vườn nhà chín cây tráng miệng. Sao mà đáng yêu đến thế cơ chứ!”, bà Trương Thị Kim Loan, trưởng phòng kinh doanh của Saigontourist Quy Nhơn kể về lần thứ 2 đến với Thuận Nghĩa (Phú Phong).
Từng kẹt, từng lỡ đường, lỡ bữa kiểu như thế nhiều lần chứ không phải lần đâu, nhưng với bà Loan đó là lần ấn tượng nhất. Và bà Loan hứa với Tây Sơn sẽ kể câu chuyện này với khách của Saigontourist khi mời họ về Thuận Nghĩa.
Người dân làng rau Thuận Nghĩa với nụ cười nồng hậu, ấm áp. Ảnh: Đ.N
Đất ấm tình người
Có thể nói, Phú Phong có nhiều tiềm năng để phát triển. Với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương, hôm nay Phú Phong ra vóc dáng phố thị, đẹp đẽ, khang trang, không kém phần nhộn nhịp, nhưng con người nơi đây vẫn chân thành, hồn hậu, vẫn đáng mến, đáng để trân trọng, yêu thương. Trong cuộc sống mới, khi nhịp sống giữa phố vẫn hằng ngày hối hả thì những người dân nơi đây vẫn giữ vẻ đẹp giản dị, gần gũi, xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, lời ăn tiếng nói vẫn vui vẻ thuần phác, vẫn trọng nghĩa tình…
Trên hành trình chữ nghĩa nghề báo của mình 12 năm qua, tôi đi nhiều, biết nhiều, yêu thương nhiều và ngày càng thêm thấy mình như mắc nợ Phú Phong - Tây Sơn, món nợ ân tình tha thiết. Bởi lẽ đi đến đâu, làm gì tôi cũng nhận được sự giúp đỡ bằng cả tấm lòng của những người dân nơi đây. Lúc nào họ cũng chào đón tôi bằng nụ cười nồng hậu, ấm áp; họ sẵn sàng dừng việc để chỉ đường cho tôi, mời tôi vào nhà nghỉ trưa, dùng cơm khi quá bữa hoặc nhanh nhảu cắt gói cho tôi những cọng rau tươi non, những quả dưa xanh mướt làm quà như kiểu đón người đã thân thiết lâu ngày, trong khi tôi chỉ vừa kịp quen…
Nếu ai đó viết về Phú Phong, về tấm lòng của con người nơi đây như thế, mọi người có thể nghĩ đó là một sự đãi bôi, nhưng với một người con dâu xứ này như tôi, xin hãy tin rằng đó là cả một khối chân thành. Bén rễ đất này, tôi ngày càng thêm thân thương đất phát tích. Tôi làm dâu Tây Sơn và thật không có ý chóng quên nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng sống giữa ân tình của bà con nên chưa bao giờ tôi có cảm giác làm dâu xứ lạ.
ĐINH NGỌC