Mẹ Cha - Gió quê nhà & Rừng ngập mặn...
Mẹ sinh ra tôi ở Phước Hòa, Tuy Phước. Ấu thơ tôi in bóng xuống ven đầm Thị Nại ken dày đưng, mắm… và những đồi cát chập chùng từ đầm ra biển, vươn dài từ Quy Nhơn ra đến Phù Cát. Mấy năm trước mỗi khi tôi nhớ quê, trước mắt tôi là hình ảnh mẹ cha tảo tần, là những cơn gió hú hun hút từ biển vun vút qua đồi cát thốc thẳng vào đầm bạc phếch như muốn xốc những mái nhà trơ trọi; là những vùng rừng ngập mặn hiền lành, thẳng thớm. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác…
Xứ đầm nhiều gió, nhiều tôm cá
Mẹ tôi nói, ở xứ đầm vùng biển quê mình không có gì nhiều bằng gió. Nhà tôi hẻo lánh ở nơi xa cách, đi mấy thôi đường quanh co mới tới chỗ mà xe đạp xe máy có thể lăn bánh. Nhưng gió thì đâu cũng có, gió cũng lùa tới được. Là gió đó, mà cũng có cồ, có mái. Nam cồ tháng Sáu bao giờ cũng róng riết, phần phật hơn nam mái tháng Tư. Nam mái có chút nhẹ nhàng, an phận trong vai gió chào đầu của một mùa gió nam ròng rã.
Rồi một ngày, gió rầm rập thổi, mang theo cái nóng phả ngang mặt, nghe dân buôn cá biển đứng chống nạnh nói ra: “Nam cồ dìa rầu, chuẩn bị có cá ồ!”, là biết ngọn nam cồ khô khốc, rộc rạc đã ghé nhà. Gió như thế làm sao mặt mày không bạc, làm sao giọng nói không vang, làm sao dáng đi không chúi về phía trước để cân bằng thế đứng. Như cây đưng, cây mắm… mẹ cha tôi xoãi chân vào đầm, tỏa rễ vào nước mặn, nước lợ, vươn cành lên trời xanh che chắn cho chị em tôi. Tôi may mắn được nối dài đường chữ nghĩa, mỗi khi thảng thốt nhớ quê nhà hốt nhiên lại gọi thầm mẹ ơi, cha ơi…
Thị Nại xứ đầm quê tôi tuy xa cách nhưng là xứ giàu có tôm, cá, con người nồng hậu chân thành. Tờ mờ sáng đã nghe tiếng giàn đập khua nước rổn rảng, xoành xoạch, những cánh quạt liến thoắng quay đều, quẫy bọt trắng xóa. Con tôm đương độ phổng phao, vào kỳ lột xác, búng tanh tách trong nhá, những người đàn ông xứ đầm dầm mình với gió sương, nắng nôi ròng rã. Kể như chuyển nhà thẳng ra chòi ăn ngủ cùng đàn tôm. Trưa chiều lại thấy những người đàn bà xứ đầm quày quả mang cà mèn cơm ra cho chồng, bước thấp bước cao trên những bờ đất lở. Trong chòi thường thõng thượt một chiếc võng mắc ngang hướng cửa, chiếu mền rin rít vì ngấm lâu nước mặn, nhưng có đơn sơ bao nhiêu thì cũng có cái trang thờ thắp nhang.
Thì vậy thôi, dân miệt đầm lao động cực khổ là thế, chịu nắng chịu mưa là thế vẫn chưa đủ, vẫn cần phải cúi đầu nhớ đến những bậc tiền hiền mở đất, be bờ chắn sóng… để hôm nay tan thành đất hòa vào nước, hóa thân thành thần sông, thần biển, thần làng… Lòng người xứ đầm chân chất vậy, không nói ra thôi chứ không hề quên ơn ai. Tôi hình dung theo ánh mắt cha tôi hiếu thuận lúc cúi đầu cầu khấn trời đất, tổ tiên, vong linh các anh hùng liệt sĩ…
Những cuộc tái sinh của gió
Xưa, dân ven đầm là phải thạo chống sõng, chèo đò; không thạo coi như bó chân ở nhà. Thời xưa phải chống sõng ngược nhánh sông Hà Dơi, qua những con lạch không tên cuối dòng sông Côn để đi chợ Gò Bồi. Mẹ tôi kể, mới hồi đầu thế kỷ XXI này thôi chứ nào đã xa xôi gì, mỗi bận thu hoạch tôm, mẹ phải theo ghe lớn đi hết sông ra cửa biển, cập bến Quy Nhơn rồi ngồi bán ở chợ Đầm. Tiếng ghe lạch xạch rời đi, những đường rẽ nước chấp chới nhớ mà buồn xo.
Còn bây giờ ư? Dắt xe ra cổng nổ máy rồi đi đến đâu cũng được. Mà chẳng cứ gì xe máy, cả ô tô, xe tải cũng vào đến xóm tôi rồi đấy thôi. Sự đổi thay như một giấc mơ diệu kỳ. Tôi đi học xa nhưng chưa bao giờ bất ngờ vì hình ảnh quê nhà được mọi người cập nhật đến từng phút từng giây. Từ Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước) cho đến Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến (Phù Cát) và thấu cho đến mạn Đông Quy Nhơn. Đến nỗi chỉ mấy năm mà nhiều người đã than, dân xứ đầm mà không biết chống sõng chèo đò…
Tôi lớn lên, chọn đi theo con đường chữ nghĩa, những con chữ dắt tôi đến những miền xa ngái, để mỗi lần trở về lại thấy quê mình từng ngày thay da đổi thịt. Đến ngọn gió đầm cũng xôn xao bước vào một cuộc tái sinh.
Hãy nhìn lên những tuabin quạt gió lừng lững vươn cao giữa trùng trùng dương liễu, kiêu hãnh nghiêng bóng xuống đồi cát Phương Mai, in trên mặt nước đầm Thị Nại. Trải dài từ Nhơn Hội ra Cát Tiến, khoảng trời hiện lên trước mặt sẽ cuốn người ta vào nỗi choáng ngợp khi nhìn từ trên cao, cánh đồng quạt gió tựa những mầm lá non khổng lồ, vươn lên rờ rỡ từ những trảng cát vốn dĩ cỗi cằn. Ngọn gió đầm, gió rừng dương đang mạnh mẽ hóa thành dòng điện sạch. Và tiếng ù ù ngày đêm vọng từ cánh đồng phong điện cho tôi biết về những cuộc chuyển dịch, tái sinh đang diễn ra quanh mình.
Thú thật tôi cũng không để ý rằng có 3 hay 4 nhà máy, cũng không thử đếm có bao nhiêu trụ tuabin như thế nữa. Tôi chỉ có một liên tưởng kỳ lạ giữa những trụ tuabin ấy với rừng bần, mắm, đưng… chúng cũng cắm sâu rễ vào đất và nuôi lớn quê hương.
Hồi bé tôi hình dung mẹ cha tôi như những rừng cây này che chắn cho chúng tôi. Ở cái vùng heo hút xó đầm ấy, bạn bè tôi có khác chút đỉnh nhưng chưa từng thấy đứa nào không hiếu kính với cha mẹ. Và thật kỳ lạ chúng tôi như những hạt giống bền bỉ lại cắm mình vào đầm nước dựng thành dựng lũy vươn lên. Như một câu hát mà chúng tôi, đứa nào cũng thuộc - Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương (Trần Long Ẩn)… Còn bây giờ đây trường liên tưởng của tôi nối dài với những dòng điện tái tạo bắt nguồn từ cuộc tái sinh của gió.
Bạn tôi là một nhà báo, anh ta tổng thuật vắn tắt, hóa ra “xứ đầm vùng biển không có gì nhiều bằng gió” như mẹ tôi từng nói với chút ta thán đất trời thì nay đó là tài nguyên. Gió sẽ chuyển thành năng lượng sạch, thành tiền, thành đường sá, trường học, bệnh viện… Rằng theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực phát triển phong điện của tỉnh Bình Định nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội - tức lọt thỏm giữa vùng đầm xứ cát quê tôi - với 4 nhà máy mà nhà máy nào cũng nghìn nghìn tỷ đồng đầu tư. Chưa hết cách đây ít tháng tỉnh Bình Định và Tập đoàn PNE AG (CHLB Đức) đã ký ghi nhớ về mộ dự án điện gió ngoài khơi công suất dự kiến 2.000 MW, với tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD….
Tôi nghe mà như trôi đi trong miên man.
Cũng như những rừng đưng, mắm… những trụ tuabin gió bắt rễ vào quê hương tôi, cho tôi biết về những cuộc chuyển dịch, tái sinh đang diễn ra quanh mình. Ảnh: T.V.T
Niềm tin yêu bắt rễ từ rừng ngập mặn
Mấy năm nay mẹ cha tôi vui hơn vì rừng ngập mặn quanh nhà, quanh xóm ngày càng dày trở lại, chim trở về làm tổ nhiều hơn, người ta cũng bỏ đi nhiều kiểu đánh bắt tàn hại môi trường. Tất nhiên tôi biết đó là kết quả của những đợt truyền thông bền bỉ nhiều năm. Nhưng cha mẹ tôi vẫn thì thầm thành kính rằng, do ông bà thương, các anh hùng liệt sĩ thương.
Đến đây tôi phải hỏi lại, vì lẽ cho đến khi vào phố học lên THPT tôi vẫn nghĩ cha tôi khấn nhầm, sao lại có “anh hùng liệt sĩ” ở đây. Hóa ra cha mẹ tôi không nhầm, ông bà chú bác quanh xóm cũng không trật. Trong những năm chiến tranh rất nhiều anh hùng liệt sĩ đã gởi thân xác mình vào dòng nước vùng đầm này, đã hóa thành phù sa nuôi dưỡng quê hương. Hóa ra sự hiếu thuận lúc cúi đầu cầu khấn trời đất, tổ tiên, vong linh các anh hùng liệt sĩ… là dựa vào nội lực tâm linh sâu xa mà căn cốt là bà con bản quán, là Tổ quốc vinh quang.
Từ một miền quê heo hắt phải dập dềnh trên ghe nửa buổi mới vào được thành phố, ngày nay những tuyến đường nhựa, cầu vượt biển đã được mở ra thênh thang. Từ những “tiểu sa mạc cát” mỏi mòn nắng rát, những trảng cỏ cháy trơ trọi xơ rơ, những lô cốt còn đó chứng tích thời bom đạn giữa rừng, giờ đây, cánh đồng điện gió đang thắp lên mắt người xứ đầm niềm đau đáu hy vọng. Tự lúc nào gọi người phương xa tụ về rạng rỡ trong những bức hình. Xứ đầm xứ cát quê tôi đang hát lên những bài ca hào sảng thu hút du khách.
Đầm Thị Nại, có lẽ qua trăm năm rút ruột nuôi bao lớp người, cũng đến lúc cần những khoảng lặng để ngơi nghỉ, bồi lắng mình trong cuộc tái sinh, để những bãi bồi mọc lên xóm làng, khu đô thị mới. Không còn chỉ đợi vào những mùa tôm, cá; không còn nặng nề nỗi thắc thỏm thiên tai lũ lụt, niềm yên vui đã len lỏi vào từng nếp nhà. Dân xứ đầm với tâm thế mới, những bàn tay hăng hái làm việc, những đôi chân cùng nhau bước tới. Chợt nhớ câu ca dao mẹ thường ru tôi ngủ: “Một mai ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim”. Rõ ràng là “chỉ đã nên gấm, sắt đã nên kim”.
***
Cha mẹ nay đã cao niên kỷ, lại đến phiên chị tôi tiễn tôi nơi đầu ngõ. Chị tôi bảo, có đi đến cùng trời cuối đất cũng thế, đừng quên những cơn gió, những lượm sóng mằn mặn quê mình; nhìn về phía chân trời khi bắt gặp những cánh quạt gió lặng lẽ xoay thành năng lượng, là biết mình đã đi đúng đường, hướng đó là nhà, hết chặng này sẽ về nghe gió đầm hát ca dào dạt. Tôi mỉm cười thưa với chị, nhà Nẫu ở thôn Huỳnh Giản, trước mặt là đầm Thị Nại, sau lưng là đồng quạt gió vi vút giữa rừng dương… bây giờ là điểm đến du lịch… sang chảnh mần sao mà quên được!
TRẦN VĂN THIÊN