Nỗ lực nâng cao chất lượng trạm y tế
Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 có nhiều điều kiện, yêu cầu cao hơn khá nhiều so với trước đó. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc, nhiều trạm y tế trong tỉnh nỗ lực đáp ứng, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, so với Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 thì Bộ tiêu chí đến năm 2030 có nhiều yêu cầu cao hơn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chuyển đổi số. Các hoạt động như: Thực hiện dịch vụ kỹ thuật, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh và người cao tuổi; sàng lọc sơ sinh và trước sinh… đều có yêu cầu cao hơn hẳn.
Giám sát việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 tại Trạm Y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn). Ảnh: Đ. THẢO
Để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã mới, Sở Y tế phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hội nghị triển khai, hướng dẫn và tập huấn cho các đối tượng liên quan như: Lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo, nhân viên y tế tuyến huyện, xã và lãnh đạo UBND cấp xã. Chỉ đạo TTYT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tự đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 cho từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn; khảo sát, phân tích và nắm rõ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc để xây dựng phương án khắc phục cụ thể.
Ông Trà Văn Trinh, Trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa (TTYT TP Quy Nhơn), cho biết: Ở phường chúng tôi, công tác phòng bệnh và quản lý các bệnh không lây nhiễm, lây nhiễm và các chương trình khác được tổ chức thực hiện rất chặt chẽ, sát với thực tế. Công tác khám, chữa bệnh tại trạm vẫn rất thuận lợi, các bệnh thông thường như cao huyết áp, viêm phế quản... thì bệnh nhân đến để được khám, cấp thuốc rất nhanh, khỏi phải chờ đợi. Với chúng tôi, trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030, tiêu chí nào cũng rất quan trọng nhưng khó nhất có lẽ là vấn đề tầm soát đái tháo đường. Tại phường Đống Đa, người từ 14 tuổi trở lên rất đông, hơn 14.000 người. Đảm bảo test tầm soát 80% số này là vượt quá năng lực trạm, quy mô công việc như thế phải do TTYT thực hiện, trạm chỉ ở vị trí phối hợp mà thôi!
Dù đang trong tình trạng thiếu nhân lực, không có đội ngũ y tế thôn nhưng Trạm Y tế thị trấn Vân Canh (TTYT huyện Vân Canh) vẫn đặt mục tiêu năm 2023 này sẽ đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Vân Canh, chia sẻ: Vì thiếu người nên việc thu thập thông tin của trạm rất khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi hẹn trước với ban quản lý khu phố, họ chốt thời điểm nào là chúng tôi đến ngay lúc đó kể cả vào ban đêm. Trạm rất gần với TTYT huyện nên tỷ lệ bệnh nhân của thị trấn khám tại trạm vẫn chưa đạt tỷ lệ như quy định. Hiện trạm mới chỉ có bác sĩ tăng cường chứ chưa có bác sĩ thường xuyên nên cũng có hạn chế nhất định. Dù vậy khi chấm điểm theo bộ tiêu chí mới, chúng tôi cũng đạt 81,5 điểm (điểm quy định là 80).
Trong khi đó tại huyện Tuy Phước, qua kiểm tra sơ bộ theo bộ tiêu chí mới, nhiều trạm y tế xã, thị trấn chỉ đạt ở mức khoảng 60 điểm. Để khắc phục điều này, cán bộ TTYT huyện đã hướng dẫn từng trạm y tế xây dựng kế hoạch thực hiện để hoàn thành bộ tiêu chí vào cuối năm 2023. Ông Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục nỗ lực triển khai những nội dung chưa đạt trong bộ tiêu chí. Đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện, Sở Y tế, ban điều hành tăng cường giám sát hỗ trợ, hướng dẫn trạm y tế bám sát các nội dung, chỉ tiêu để hoàn thành bộ tiêu chí trong năm 2023.
ÐỖ THẢO