Ngành giao thông chủ động ứng phó mưa bão
Ðể chủ động ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, Sở GTVT đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý triển khai duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật các hệ thống giao thông. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, về một số vấn đề liên quan công tác chuẩn bị, ứng phó trước mùa mưa bão năm nay.
● Thưa ông, cụ thể ngành GTVT đã triển khai công tác ứng phó thiên tai như thế nào?
- Chúng tôi thành lập, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) của đơn vị theo quy định để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của đơn vị.
Sở GTVT kiểm tra các tuyến đường dễ bị sạt lở, ngập sâu trong mùa mưa lũ tại huyện An Lão. Ảnh: HẢI YẾN
Những hoạt động chuẩn bị nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai để đảm bảo lưu thông an toàn, giao thương hàng hóa, cứu hộ cứu nạn thuận lợi đã hoàn tất. Hơn nữa, khi rà soát toàn bộ hệ thống, chúng tôi sẽ luôn ở trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi hạ tầng giao thông do các địa phương quản lý có sự cố.
Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT-TKCN; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai; triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023 của đơn vị, trong đó cần lập kế hoạch quản lý, bổ sung các phương tiện, trang thiết bị trước các nguy cơ xảy ra của thiên tai. Các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phải ưu tiên nạo, vét lòng cầu, cống, rãnh thoát nước, sửa chữa mặt đường êm thuận, đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt.
● Còn với những hạng mục đang thi công dang dở thì sao?
- Đối với công tác sửa chữa thường xuyên, Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý Bảo trì đường bộ, Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định tiến hành kiểm tra, quản lý toàn bộ hệ thống, đặc biệt lưu ý các vị trí xung yếu, có khả năng hư hỏng trong mùa mưa bão sắp đến; tiến hành sửa chữa kịp thời, gia cố nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo vượt lũ; và thực tế tất cả đã hoàn tất trước ngày 30.9; cùng với đó phương án di dời vật tư, thiết bị xe máy và con người ra khỏi vùng lụt bão nguy hiểm nhằm tránh thiệt hại do lụt bão gây ra cũng đã sẵn sàng.
● Ông có thể thông tin chi tiết hơn về phương án ứng phó thiên tai tại các công trình giao thông trọng yếu do Sở quản lý?
- Như đã nói ở trên, trước mùa mưa lũ, các đơn vị quản lý đường bộ đã nắm chắc hiện trạng; cùng với đó trong và sau các đợt mưa lũ đều kịp thời kiểm ra, báo cáo cụ thể để nếu có thiệt hại thì sẽ xử lý nhanh. Chúng tôi cũng xây dựng cơ chế phối hợp với chính quyền các địa phương, với các cơ quan hữu quan trong PCTT-TKCN.
Đơn cử như Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định đã thiết lập chế độ ứng trực 24/24 giờ tại các hạt quản lý đường bộ ở từng đoạn tuyến; tuần đường thường xuyên kiểm tra để phát hiện xói lở, đất sụt, cây đổ có thể gây hư hỏng cầu đường làm ách tắc giao thông, kịp thời xử lý bảo đảm giao thông thông suốt. Thường xuyên theo dõi những vị trí trọng yếu trên các tuyến có đèo, dốc hay bị ngập sâu, sạt lở, gây ách tắc giao thông như: ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão), ĐT 631 (Nhơn Hưng - Phước Thắng), ĐT 636 (Gò Bồi - Bình Nghi), ĐT637 (Vườn Xoài - Vĩnh Sơn), ĐT 639 (Quy Nhơn- Tam Quan), ĐT 640 (Ông Đô - Cát Tiến)…
Chúng tôi cũng đề nghị Khu Quản lý đường bộ chỉ đạo Văn phòng Quản lý đường bộ III.4, đơn vị quản lý tuyến quốc lộ trên địa bàn, các đơn vị liên quan thành lập đơn vị quan sát theo dõi diễn biến toàn đoạn tuyến, ưu tiên các vị trí trọng yếu hay bị sạt lở đất đá, hư hỏng như: Đèo Cù Mông, đèo Bình Đê, cầu Gành (QL 1), đoạn đèo dốc Quy Hòa (QL 1D), đèo An Khê (QL 19)… Giám sát tốt thì sẽ phát hiện sự cố kịp thời, xử lý nhanh đảm bảo giao thông và sớm khắc phục.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã và thôn xóm), UBND các huyện phải có phương án phòng, chống lụt bão cụ thể để đảm bảo giao thông an toàn cho nhân dân, giảm thiểu bị chia cắt khi có lũ lớn; khôi phục nhanh chóng và cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân vùng lũ.
● Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)