Nuôi ong ven rừng, hiệu quả bất ngờ
Mấy năm trước, thấy vùng ven chân núi Chóp Chài (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) có nhiều loại cây hoang dã ra hoa quanh năm, anh Nguyễn Văn Tòng (SN 1990, ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức) nghĩ ngay đến việc tận dụng lợi thế tự nhiên để nuôi ong.
Nuôi ong trong các khu vườn ven rừng lấy mật mang lại hiêu quả, giúp anh Tòng phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu anh đóng 10 thùng gỗ đặt dưới các gốc cây trong vườn nhà, bắt một số đàn ong trên núi đưa về nuôi. Khi ong phát triển mạnh, cho mật đều, anh Tòng tách thành nhiều đàn và nâng dần quy mô; đến nay anh phát triển được 50 đàn ong lỗ, ong dú.
Anh Tòng chia sẻ: Chi phí ban đầu để theo nghề nuôi ong thấp, chăm sóc cũng không mấy phức tạp, khó khăn. Chủ yếu là chọn vị trí thích hợp trong vườn nhà để đặt thùng ong. Ong sẽ tự bay đi kiếm ăn, hút mật các loại hoa trên núi Chóp Chài và các vườn cây xung quanh, sau đó bay trở lại thùng ong để tạo mật. Mùa xuân, mùa hè cây cối phát triển, hoa nở rộ, ong tạo ra nhiều mật. Từ tháng 7 âm lịch trở đi, hết mùa hoa là giai đoạn chăm sóc, dưỡng ong, ngoài nguồn thức ăn từ thiên nhiên, mình cho ong ăn thêm phấn hoa để đảm bảo dinh dưỡng, giúp đàn ong phát triển tốt. Khâu đòi hỏi nhiều công và tỉ mỉ nhất là làm vệ sinh không để kiến và các loại côn trùng gây hại cho ong.
Gần đây, anh Tòng khảo sát vùng ven rừng ở thôn Phước Chánh, xã Mỹ Phong, kết quả anh phát triển được thêm 30 thùng ong, gởi nhờ ở vườn nhà một số người quen. Với 80 đàn ong, mỗi năm anh Tòng thu về chừng 200 lít mật. Nhờ có chất lượng cao, mật ong của anh Tòng được nhiều người tín nhiệm, đạt mức giá 600 nghìn đồng/ lít; anh có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
VĂN TỐ