Không khoan nhượng với gian lận thương mại
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh xử lý 945 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 23 tỷ đồng.
Đơn cử, từ ngày 21 đến 27.9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Đội 3, Phòng PC 03 (CA tỉnh) liên tiếp phát hiện và tạm giữ số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra, phát hiện 711 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 55 chiếc điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh, laptop, loa bluetooth; 824 kính cường lực, sạc dự phòng, dây sạc, tai nghe, ốp điện thoại, màn hình điện thoại; 210 hộp đồ chơi trẻ em; 380 chai tinh dầu vape; 143 hộp/bì sữa, sữa bột, siro dành cho trẻ em; 63 hộp nước hồng sâm, colagen, viên uống và nhiều hàng hóa khác…, tổng trị giá trên 500 triệu đồng.
Cục QLTT tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Ảnh: HẢI YẾN
Đại tá Lê Công Trạng, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh) cho biết: Khi có nghi vấn liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chúng tôi sẽ kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện ra vào, hoạt động trên cảng biển, vùng biển tỉnh, không để xảy ra bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu và sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng; lợi dụng nhập khẩu hàng hóa bằng container để buôn lậu hàng điện tử… Nhờ tăng cường giám sát, kiểm soát, BĐBP tỉnh đã bắt giữ và xử lý 11 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 34 triệu đồng và khởi tố 5 vụ/6 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, các cơ quan chức năng còn nỗ lực kiểm soát bảo vệ rừng, lâm sản. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị CA, chủ rừng và chính quyền địa phương tiến hành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét. Nhờ đó, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và lập biên bản 57 vụ vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực lâm nghiệp. Kết quả xử lý vi phạm hành chính 44 vụ, thu nộp ngân sách trên 257 triệu đồng.
Ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục QLTT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, cho biết: Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm. Trong đó, hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm, đấu tranh, xử lý gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ thực thi công vụ, còn xảy ra tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn thiếu về số lượng; các phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác chống buôn lậu còn thô sơ, các phương pháp nghiệp vụ còn thủ công nên hiệu quả của công tác chống buôn lậu chưa cao.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã chỉ đạo các đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng kiểm soát viên, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác chuyên môn nhằm xây dựng nội bộ trong sạch, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức làm công tác đấu tranh chống buôn lậu; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công tác truyền thông, tuyên truyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần được đẩy mạnh hơn nữa.
HẢI YẾN