HỘI NGHỊ KHOA HỌC “RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA TRONG THẬN NHÂN TẠO: NHỮNG THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA”:
1.200 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lọc máu tham dự
(BĐ) - Ngày 20 - 21.10, tại TP Quy Nhơn, Hội Lọc máu Việt Nam phối hợp BVĐK tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị khoa học thường niên lần thứ III. Hội nghị có 1.200 nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về lọc máu Việt Nam và quốc tế tham dự.
Với chủ đề “Rối loạn chuyển hóa trong thận nhân tạo: Những thách thức cần vượt qua”, tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã trình bày 83 báo cáo khoa học. Đây là những báo cáo công phu mang lại giá trị thực tiễn trong điều trị người bệnh.
Quang cảnh hội nghị
TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết: Rối loạn chuyển hóa trong thận nhân tạo là lĩnh vực đặc thù trong lọc máu. Những rối loạn đó bao gồm: Rối loạn chuyển hóa chất khoáng, xương; rối loạn lipid máu, rối loạn hormon, tích lũy các độc tố uremic trọng lượng phận tử trung bình… ở bệnh nhân lọc máu. Những rối loạn này có cơ chế bệnh sinh, biểu hiện bệnh lý và phương pháp điều trị khác hẳn so với các bệnh lý thuộc chuyên ngành khác. Những bệnh lý do rối loạn chuyển hóa sau điều trị thay thế thận ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh thận nhân tạo. Tại Việt Nam, thận nhân tạo vẫn là phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến nhất. Năm 2022, tỷ lệ điều trị của 3 phương pháp thận nhân taọ, lọc màng bụng, ghép thận tương ứng là 82%, 4.4%, 13.1% và năm 2023 là 74.4%, 1.9%, 23.7%.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T. KHUY
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân chạy thận, cả nước hiện có 1.500 bác sĩ, 5.000 điều dưỡng và 800 kỹ sư, kỹ thuật viên, đội ngũ nhân viên làm việc trong chuyên ngành thận nhân tạo. Bệnh nhân điều trị thận nhân tạo tại Việt Nam năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 325 người bệnh/1 triệu dân và 376,6 người bệnh/1 triệu dân. Uớc tính, số lượng bệnh nhân tăng thêm hàng năm khoảng hơn 5.000 bệnh nhân và xu hướng này có thể sẽ tăng hàng năm. Sau đại dịch Covid-19, các đơn vị chạy thận nhân tạo đối diện với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật lọc máu, trang bị hệ thống máy móc, cơ sở vật chất để phục vụ quá trình điều trị.
“Trước những khó khăn này, Hội Lọc máu Việt Nam đã hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện về kỹ thuật, đào tạo nhân lực, cầu nối đứa các chuyên gia quốc tế và cao cấp trong nước để hội viện, thầy thuốc nâng cao tay nghề, tạo điểm tựa vững chắc cho cơ sở y tế” - TS Nguyễn Hữu Dũng thông tin thêm.
THẢO KHUY