Những vườn hoa xứ Hoài
Nhắc đến Hoài Nhơn, người ta sẽ nghĩ ngay đến xứ Dừa, đến vùng đất của nhiều thứ bánh trái đậm chất Bình Ðịnh. Nhưng sau chừng mươi năm chí thú theo đuổi nghề, chắt chiu dâng đời nhiều sắc màu hoa trái tươi thắm, người trồng hoa ở TX Hoài Nhơn bắt đầu khoác lên xứ sở này một danh tiếng khác.
Hoa phủ vùng cát trắng
Được xem là người khởi xướng nghề trồng hoa ở thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc, nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Quả (SN 1956) cùng bà con nơi đây không ngừng nỗ lực cải tạo và từng bước chinh phục thành công vùng cát trắng bạc màu “nắng không ưa, mưa không chịu” này trở thành những cánh đồng hoa nối dài miên man 20 ha; biến Gia An Nam thành “thủ phủ hoa” của TX Hoài Nhơn với 82 hộ chuyên trồng hoa.
Kể với tôi những vui buồn, được mất sau hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ông Quả mở lòng: Để có được thành công như hôm nay, tôi cũng nhiều phen lao đao vì thời tiết bất thường, sâu bệnh phá hoại, có năm trắng tay cả một vụ hoa tết. Mỗi lần thất bại như thế, tôi cũng nản chí, con người chứ có phải gỗ đá đâu mà thua thiệt, thất bại vẫn không buồn không nản; nhưng vì yêu nghề và tin chắc tương lai của cây hoa nên tôi tiếp tục “thua keo này, bày keo khác”, tìm hướng khác, dù mất công sức, tiền của để học hỏi, thử nghiệm. Nhờ bền chí như vậy cuối cùng tôi đã thành công. Nghề trồng hoa không chỉ đã mang lại sự sung túc cho gia đình tôi, mà xung quanh đây có thêm rất nhiều gia đình khá lên nhờ trồng hoa.
Vườn hoa ly, cúc tết của ông Nguyễn Văn Quả ở Gia An Nam. Ảnh: D.B.S
Đưa tôi đi thăm các vườn hoa trong xóm, ông Quả chia sẻ, khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là làm chủ được kỹ thuật chăm sóc hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong nghề, từ năm 2013 tôi cùng nhiều nhà vườn khác chuyển sang trồng hoa chuyên canh, mỗi đợt tôi xuống giống 9.000 - 10.000 cây hoa giống, chủ yếu là hoa cúc đồng tiền và vạn thọ cắm bình. Mỗi tháng trồng 2 đợt để có hoa luân phiên cung cấp cho thị trường. Ngày thường thì thu hoạch vài ba trăm bụi, thu nhập từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/ngày; ngày rằm, mùng 1 thu hoạch cả ngàn bụi mà vẫn không đủ để bạn hàng lấy, thu nhập được 4 - 5 triệu đồng/ngày. Riêng vụ hoa tết chỉ từ cúc pha lê, đại đóa, ly, lay ơn, vạn thọ cao gia đình tôi đã thu về hàng trăm triệu đồng. Điều khiến tôi hạnh phúc là rất nhiều bà con ở Gia An Nam cũng khá lên, cũng vui như thế. Mỗi mùa xuân về tôi hay mường tượng về vùng cát trắng bạc màu “nắng không ưa, mưa không chịu” khi xưa, nay tất cả đã phủ kín những ruộng hoa.
Hoa, trái đồng hành cùng du lịch
Vùng chuyên canh hoa ở phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn chủ yếu tập trung ở các khu phố: 1, 5, Thiết Đính Nam và Thiết Đính Bắc. Trong năm, những hộ trồng hoa tập trung trồng hoa cắm bình là chính với các giống phổ biến là cúc, vạn thọ. Đến vụ hoa tết, vụ hoa được coi là thành bại một năm, nhà vườn sẽ mở rộng thêm nhiều giống hoa, quả như: Thược dược, lay ơn, quất, vạn thọ và nhiều nhất là hoa cúc, vạn thọ.
Nhắc tới nghề trồng hoa ở Bồng Sơn, nhiều người sẽ nhắc ngay tới ông Lê Văn Tấn (SN 1956) ở khu phố Thiết Đính Nam và anh Trần Việt Hùng (SN 1978) ở khu phố 5. Với sự cần mẫn, thuần thục, khéo léo, những người trồng hoa ở Hoài Nhơn tăng dần sức hấp dẫn trên từng chậu hoa của mình nên dần dần sản phẩm của làng hoa được thị trường chấp nhận không chỉ tiêu thụ tốt ở địa phương mà còn tìm được nhiều bạn hàng ở xa. Nghề trồng hoa ở Hoài Nhơn có lợi thế lớn là được chính quyền ủng hộ nhiệt tình, các ngành chức năng sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ…
Vườn hoa vạn thọ tết của ông Lê Văn Tấn ở khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn. Ảnh: D.B.S
Ông Trương Mạnh, Trưởng thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc bộc bạch: Việc phát triển rộng khắp nghề trồng hoa giúp bà con khấm khá, làng hoa Gia An Nam ngày càng phát triển; bình quân thu nhập của người dân trong thôn đã đạt 60 triệu đồng/người/năm, so với năm 2020 đã tăng đến 15 triệu đồng người/năm và dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Trong định hướng phát triển của tỉnh và thị xã những năm tới, du lịch là một nội dung quan trọng. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, nếu có quy hoạch và định hướng phát triển tốt không chỉ chúng tôi có thêm cơ hội, gia tăng giá trị cho cây hoa mà cả những xóm làng, khu phố ven sông Lại Giang sẽ có thêm điều kiện để phát triển nghề trồng hoa. Cứ nhìn vào bản đồ là tôi lại cứ như thấy rõ đó là những làng hoa.
Gắn bó nhiều năm với những người theo nghề trồng hoa ở Hoài Nhơn suốt một dải từ Tam Quan Nam, Hoài Châu Bắc đến Bồng Sơn, Hoài Đức..., tôi hiểu lợi thế đặc biệt ở đây không chỉ ở đất đai màu mỡ, nước nôi thuận hòa mà còn là những con người giàu tinh thần sáng tạo, chí thú với nghề. Khi nghĩ đến làng hoa phát triển gắn bó với kinh tế du lịch tôi nghĩ ngay đến ông Phùng Bá Thân (SN 1966), người nông dân ở khu phố Bình Chương, phường Hoài Ðức đã trồng thành công nhiều giống nho ngoại nhập, truyền cảm hứng cho nhiều nhà vườn ven sông Lại.
Nếu trước đây rất nhiều người cho rằng nhiều lắm chỉ có thể trồng mì trên vùng cát trắng bạc màu Gia An Nam thì thực tế cho thấy người dân nơi đây đã trồng hoa thành công và nhờ đó Gia An Nam gần như đã lột xác hoàn toàn. Tương tự rất nhiều người đã hồ nghi khi nghe tin có vườn nho lạ ven sông Lại. Và thực tế đã tạo nên nhiều bất ngờ thú vị. Tôi nhớ lời bộc bạch của ông Thân: “Cây nho có thể cho trái liên tục trong 15 - 20 năm nếu mình chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, chăm sóc cắt tỉa, điều tiết sinh trưởng để nho cho trái và chín đều đúng vào dịp tết Giáp Thìn 2024”. Đến đây cũng như tôi, bạn đã có thể hình dung những vườn trái chín xinh đẹp giữa mùa xuân khi dạo chơi ven sông Lại.
Vườn hoa tết của anh Trần Việt Hùng ở phường Bồng Sơn. Ảnh: D.B.S
Sau nhiều nỗ lực chỉnh trang của Nhà nước, những làng xóm, khối phố ven sông Lại đã lên dáng đô thị nhà vườn xanh tươi. Đi dọc những con đường ven sông từ Bồng Sơn sang Hoài Đức, trong tôi thường xuyên râm ran hình ảnh tươi đẹp mai này. Sẽ tuyệt vời làm sao khi được đến thăm những xóm làm kẹo mứt, bánh trái; cùng với đó là những làng hoa rộn ràng sắc màu; điểm xuyết vào những hàng dừa đã thành danh trăm năm tên tuổi là những vườn bưởi, quất và tới đấy sẽ là những vườn nho lạ mắt. Giờ đây, không chỉ Gia An Nam mới có cơ hội phát triển nghề trồng hoa và mở rộng sang phục vụ du lịch, nếu được quy hoạch phát triển tốt thì cả xứ Hoài hoàn toàn có thể phát triển du lịch với nội lực là cả một vùng hoa lá, bánh trái ngọt lành.
DIỆP BẢO SƯƠNG