Khơi sức dân giải phóng mặt bằng - Kỳ 1
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Ðịnh, có 9 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện. Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án này đã được tháo gỡ thành công nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt trong công tác dân vận.
Kỳ 1: Trọng điểm của trọng điểm
Giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, phải đi trước để các dự án đầu tư giao thông trọng điểm có thể nhanh chóng được triển khai. Những “nút thắt” giải phóng mặt bằng chỉ được tháo gỡ thành công khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trên quan điểm chung tuân thủ pháp luật và tuyệt đối bảo vệ lợi ích của người dân.
Nhiều cái khó
Trong nỗ lực đưa Bình Định vươn lên trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực miền Trung, nhiều dự án quan trọng đã và đang được đầu tư mạnh mẽ. Chỉ riêng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đầu tư cho lĩnh vực giao thông khá lớn - hơn 13.823 tỷ đồng, chiếm 32,6% trong tổng vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh.
Bên cạnh dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Định, tỉnh đang đầu tư thực hiện 9 dự án giao thông (DAGT) trọng điểm khác. 9 DAGT này đều có phần diện tích đất lâm nghiệp, nông nghiệp và đất ở phải thu hồi khá lớn, trải rộng trên nhiều huyện, thị xã, thành phố.
Tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân đang khẩn trương triển khai để nối đường ven biển.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý DAGT tỉnh - đơn vị chủ đầu tư nhiều DAGT trọng điểm của tỉnh - cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số hộ dân chưa đồng thuận công tác GPMG, đòi hỏi quá quy định của Nhà nước. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều khó khăn vì việc xác định nguồn gốc đất và tài sản trên đất vướng các vi phạm tồn đọng qua nhiều thời kỳ.
Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dẫn đến có sự so sánh, khiếu nại về chính sách cũ và mới, chính sách của tỉnh và chính sách của nhà đầu tư. Khi khiếu nại, khiếu kiện xảy ra, tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng, chậm trễ.
Trong 9 DAGT trọng điểm tỉnh đang triển khai, ì ạch nhất là dự án tuyến đường tránh ĐT 633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển ĐT 639 địa bàn huyện Phù Cát. Dù toàn tuyến này chỉ dài 3,5 km, tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, triển khai thực hiện từ năm 2022 - 2025, song đến nay địa phương mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được... 1,2 km.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, tuyến đường trên sẽ tạo động lực phát triển nhanh, mạnh cho khu vực ven biển Phù Cát về không gian đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, công tác đền bù, GPMB cho 175 hộ/12,07 ha và di dời 154 mộ bị ảnh hưởng từ dự án gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quá, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Cát, lý giải: Nhiều diện tích đất, công trình kiến trúc trên đất hiện hữu chênh lệch lớn so với diện tích đã được cấp quyền sử dụng, có diện tích đất đã được mua bán, đổi chủ theo hình thức sang tay. Điều này mất nhiều thời gian kiểm tra xác minh nguồn gốc, diện tích đất, cây trồng, kiến trúc trên đất. Cũng có nhiều hộ dân cho rằng đơn giá đền bù của Nhà nước còn thấp, nên chưa đồng ý nhận tiền đền bù.
Khâu trọng điểm đi trước một bước
Dự án tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân dài 13,581 km, thuộc dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện từ tháng 4.2021 - 12.2024. Trong hơn 2.674 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án, riêng GPMB chiếm hơn 400 tỷ đồng. Trên tuyến chính có đến 1.453 hộ và 6 tổ chức với 101,96 ha/1.628 thửa đất phải thu hồi.
Ban Quản lý DAGT tỉnh cho hay, vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB 98 đợt cho 1.571 hộ, 8 tổ chức, với hơn 259 tỷ đồng. Ban đã chi trả hơn 254 tỷ đồng cho 1.494 hộ, 8 tổ chức. Tỉnh đã phê duyệt phương án giao đất tái định cư (TĐC) 11 đợt cho 51 hộ/53 lô. Cơ bản 100% mặt bằng tuyến đường đã được bàn giao.
Hiện Ban Quản lý DAGT tỉnh đang đầu tư xây dựng 3 khu TĐC tại các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Thuận để phục vụ dự án và hoàn trả quỹ đất TĐC cho địa phương. Dự án chia thành 2 gói thầu xây lắp, hiện giá trị xây lắp đạt 791,61/2.035,5 tỷ đồng (38,8%).
Ông Trần Đình Thái, ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, chia sẻ: Gia đình bị giải tỏa một phần đất ở, phần đất còn lại đủ để tôi xây dựng nhà ở ngay mặt tiền đường lớn. Được động viên giải thích rõ ràng, đền bù thỏa đáng, chúng tôi đã bàn giao sớm mặt bằng cho chủ đầu tư, mới sửa sang lại nhà cửa khang trang, đẹp hơn.
Nhanh hay chậm phụ thuộc khả năng khiến người dân thông suốt tư tưởng, ông Huỳnh Hồng Việt, Tổ trưởng tổ công tác GPMB của dự án tuyến đường kết nối từ QL 19 đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (thuộc Ban Quản lý DAGT tỉnh) đúc kết khi khâu GPMB phục vụ dự án này về đích sớm, nhanh gần gấp đôi so với mức yêu cầu. 5 km tuyến đường tại Canh Vinh vướng mặt bằng chủ yếu đất lâm nghiệp của 32 hộ dân và 2 tổ chức đã về đích sớm bất ngờ, hộ sau cùng nhận tiền bồi thường GPMB hôm 28.8.2023. Ông Việt chia sẻ: Trong công tác tuyên truyền, vận động hộ dân hiểu dự án để ủng hộ công tác GPMB, sự ủng hộ, phối hợp, vào cuộc tích cực của địa phương là thuận lợi rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, nói thêm: Biết đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng đảng viên, cán bộ nhà nước, chúng tôi giao việc cho từng cán bộ, đảng viên có người nhà trong diện ảnh hưởng; tận dụng quan hệ của cán bộ xã, thôn để tuyên truyền. Canh giờ chiều hoặc tối khi người dân đi rừng, làm rẫy về thì mới đến nhà tuyên truyền, vận động, nên anh em hay nói phải “gần dân”, “bám dân” mang lại nhiều lợi ích là vậy!
Trong khi đó, phần diện tích phải GPMB cũng của dự án trên nhưng nằm trên địa bàn TX An Nhơn với 8 km/206 thửa đất bị ảnh hưởng, cần thu hồi 26,7 ha của 121 hộ. Địa phương đã lập phương án bồi thường 4 đợt cho 57 hộ, trong đó 2 phương án đã phê duyệt cho 31 hộ với 6,4 tỷ đồng, khoảng 9 ha được bàn giao vào cuối tháng 9.2023. Đến sáng 29.9, địa phương chi trả đợt 2 cho 10 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho hay xã đang tập trung công tác xác minh nguồn gốc sử dụng đất rừng. Riêng 5 hộ bị ảnh hưởng phần đất ở, trong đó 1 hộ giải tỏa trắng, chúng tôi bố trí TĐC ở khu dân cư thôn Nam Tượng 2 nằm ngay trung tâm xã đầy đủ hạ tầng, điện, đường, tốt hơn nơi ở cũ.
9 DAGT trọng điểm của tỉnh đang triển khai
1. Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân;
2. Tuyến kết nối với đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn TX Hoài Nhơn;
3. Tuyến kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đến đường ven biển ĐT 639 trên địa bàn huyện Phù Mỹ;
4. Tuyến ĐT 639 đoạn từ QL 1D - QL 19 mới;
5. Tuyến đường tránh ĐT633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển ĐT 639 địa bàn huyện Phù Cát;
6. Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây Đầm Thị Nại;
7. Tuyến đường kết nối từ QL 19 đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định;
8. Tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân;
9. Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn).
(còn nữa)
THU HIỀN - TIẾN SỸ - HẢI YẾN - THU DỊU
● Kỳ cuối: Công khai, minh bạch, linh hoạt, sáng tạo