Khơi sức dân giải phóng mặt bằng - Kỳ 2: Công khai, minh bạch, linh hoạt, sáng tạo
Dân chủ, công khai, minh bạch trong bồi thường để tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân; lo cho dân, đảm bảo người dân đến nơi tái định cư sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ... là những giải pháp bền vững trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chia sẻ, bảo vệ lợi ích người dân, tuân thủ pháp luật
Tại huyện Tây Sơn, dự án đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong có chiều dài tuyến 17,97 km, đi qua 4 xã: Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú, Bình Tường; tổng diện tích đất thu hồi hơn 363.912 m2/757 hộ và 4 tổ chức. Hội đồng Bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện đã tổ chức họp dân triển khai các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) cho hộ dân bị ảnh hưởng; công khai giá đất TĐC thuộc khu TĐC. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện luôn sẵn sàng tiền mặt, các thủ tục, giấy tờ liên quan soạn sẵn. Tổ công tác GPMB của huyện thuyết phục được người dân đồng thuận, lập tức chi trả tiền.
“Chúng tôi thường xuyên đến tận nhà người dân đối thoại về công tác bồi thường, kiểm tra trực tiếp tiến độ xây dựng cũng như điều kiện khu TĐC cho dân. Người dân sẵn sàng đồng thuận, chia sẻ khi mình nói thật, làm thật và làm đến nơi đến chốn!”, Bí thư Huyện ủy Lê Bình Thanh khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Hoài Nhơn Phạm Văn Chung cũng nhìn nhận, vận động, tuyên truyền là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong GPMB dự án tuyến đường kết nối với đường ven biển ĐT 639. Đến nay, công tác bồi thường, GPMB dự án này triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, việc xây dựng 2 khu TĐC phục vụ cho người dân đạt trên 98%.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trò chuyện với người dân và kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân.
Phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn) là địa bàn có nhiều hộ dân phải giải tỏa trắng nhường đất cho dự án. Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Lê Văn Nam cho hay: Phường đã tổ chức trước các đợt đối thoại với người dân, làm rõ về những tác động, những điểm tích cực mà dự án mang lại cho người dân. Nhờ việc tuyên truyền kịp thời, thấu đáo, lắng nghe và chia sẻ nên công việc diễn ra thuận lợi. Đến nay, cơ bản công tác bồi thường, GPMB tại phường Hoài Thanh Tây đã hoàn tất. Chúng tôi gấp rút thực hiện việc hỗ trợ để bà con có thể an tâm về nơi ở mới.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Địa bàn Quy Nhơn đang triển khai cùng lúc nhiều dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành phố và chủ yếu tập trung trên địa bàn hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Nhiều dự án buộc phải di dời lượng lớn hộ dân trong khi bố trí TĐC không đơn giản…
Bí thư Thành ủy TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho hay, Thành ủy liên tục kiểm tra tình hình thực tế 1 lần/tuần. Công tác GPMB được tiến hành khẩn trương, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, nhưng đòi hỏi chính xác, đúng quy định, nhất là không để xảy ra tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy tổ chức thường xuyên, liên tục trong việc lập, phê duyệt phương án bồi thường GPMB, nhất là xác định nguồn gốc đất, diện tích đất đền bù, kiểm đếm tài sản trên đất…
Bà Nguyễn Thị Mộng Loan, Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) cho biết: Hiện trên địa bàn phường có 12 dự án quan trọng của tỉnh, thành phố được triển khai. Công tác GPMB của dự án nào cũng gian nan. Cán bộ phải đi từng ngõ, từng nhà để tuyên truyền vận động, giải thích rõ từng dự án. Đặc biệt, khâu xác minh nguồn gốc đất rất khó khăn; nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài. Chúng tôi liên tục giải thích rõ cho người dân; cán bộ thực hiện công tác GPMB không gây khó cho dân nhưng làm chặt chẽ, đúng quy định.
Riêng dự án tuyến ĐT 639 đoạn từ QL 1D - QL 19 mới do Ban GPMB tỉnh phối hợp với UBND TP Quy Nhơn thực hiện GPMB, cái khó rơi vào những trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Ông Ngô Tùng Sơn, Phó trưởng Ban GPMB tỉnh cho hay, Ban phối hợp với chính quyền địa phương đối thoại trực tiếp từng hộ dân, trong số những hộ “chưa thông” còn lại, Sở TM&MT đang thẩm định khiếu nại của 39 hộ, 11 hộ bị vướng không xác định được nguồn gốc sử dụng đất, 3 trường hợp tỉnh giao Thanh tra tỉnh xử lý theo quy định. Chúng tôi cũng xác định phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, linh hoạt trong bồi thường GPMB trong khuôn khổ quy định pháp luật, phấn đấu trong tháng 10.2023 là dứt điểm.
Ở huyện Phù Mỹ, triển khai dự án tuyến đường kết nối với ĐT 639, cùng với việc công bố công khai quy hoạch dự án, huyện thành lập ban GPMB từ huyện đến các xã, thị trấn, cùng nhiều tổ phản ứng nhanh để tuyên truyền. Trung tâm VH-TT huyện tăng thời lượng thông tin về cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường GPMB. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện cùng chính quyền địa phương, hội, đoàn thể từ huyện đến thôn cùng xắn tay áo cùng làm. Cùng với đó, huyện thông báo thời gian cụ thể đến từng tổ chức, hộ gia đình về việc xác minh, xác nhận nguồn gốc đất, kiểm đếm, đảm bảo đúng, đủ, minh bạch. Các tổ công tác đến từng nhà dân ngoài giờ hành chính để tuyên truyền, và tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… Riêng 7 hộ dân tại xã Mỹ Thành, nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng vẫn cố tình không tháo dỡ, di dời cây cối hoa màu hiện có trên diện tích đất, UBND huyện quyết định cưỡng chế.
Ông Lê Văn Lịch - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Đến nay, huyện đã phê duyệt 27 phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 992 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng, với hơn 169 tỷ đồng. Nhờ đó, huyện Phù Mỹ đã bàn 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai toàn bộ dự án.
Mặt bằng dự án tuyến đường kết nối với tuyến đường ĐT 639 tại Phù Mỹ được đảm bảo cho nhà đầu tư thi công.
Chung sức, đồng lòng
Giải bài toán GPMB dự án đường tránh ĐT 633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp ĐT 639, ông Phạm Văn Kiên, Bí thư Chi bộ thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chia sẻ: Chi bộ thôn cùng với các hội, đoàn thể đến từng nhà dân ngoài giờ hành chính để tuyên truyền; tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… thông tin công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường GPMB để tạo sự đồng thuận của người dân.
Có một phần ngôi nhà nằm trong phạm vi tuyến chính phải tháo dỡ, ông Lê Văn Vương, một hộ dân ở xã Cát Khánh, cho biết: Tôi thống nhất chủ trương, mục đích đầu tư xây dựng tuyến đường của tỉnh, huyện và đã phối hợp với ngành chức năng đo đạc, kiểm đếm xong diện tích đất vùng các hạng mục đã đầu tư xây dựng. Bây giờ chỉ còn chờ huyện duyệt phương án đền bù, làm cơ sở để đánh giá, quyết định nhận tiền đền bù, tháo dỡ một phần nhà, bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, cuối tháng 9, huyện tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 43 hộ còn lại của dự án, bao gồm 8 hộ bị ảnh hưởng hồ nuôi tôm và 35 hộ bị ảnh hưởng nhà cửa, vật kiến trúc (trong đó 30 hộ có nhu cầu bố trí đất tái định cư). Đối với việc giao đất tái định cư cho người dân, hiện UBND tỉnh đã thống nhất giao cho huyện 36 lô đất ở tại khu TĐC thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ngày 30.9, huyện phê duyệt phương án tái định cư cho 30 hộ dân ở xã Cát Khánh; đồng thời tổ chức cho người dân bốc thăm đất TĐC.
Để nói cho dân “nghe được” trong công tác GPMB, mỗi cán bộ phải đặt mình trong hoàn cảnh của người dân và trong từng bối cảnh, từng thời điểm để tạo sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay tỉnh tổ chức họp hằng tuần, kiểm tra thực địa liên tục để xem xét bất cập, lắng nghe trăn trở của địa phương, trưng cầu ý kiến các ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm trong công tác GPMB. Song song đó, xác định phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, nhất là những nhân tố điển hình, tích cực, chứ không chỉ cán bộ làm công tác dân vận. Quá trình triển khai thực hiện các phần việc phải công khai, minh bạch.
Đặt mình vào vị trí của người dân
Triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của tỉnh là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và GPMB là công tác “trọng điểm của trọng điểm”. Bí thư các thành ủy, thị ủy, huyện ủy có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra thực hiện. Nơi nào công tác GPMB bị chậm trễ, vướng mắc không giải quyết mà để kéo dài, người đứng đầu địa phương đó chịu trách nhiệm. Do đó, công tác GPMB đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt phải đặt mình vào vị trí của người dân để xem thử giải quyết thấu tình đạt lý chưa, khi nào người dân đòi hỏi quá đáng dù đã linh động hết sức về chính sách thì mới cưỡng chế.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng
THU HIỀN - TIẾN SỸ - HẢI YẾN - THU DỊU
(Hết)