Gaza - nơi đau khổ nhất thế giới và Israel - nơi sự sợ hãi bao trùm
Vào thời điểm hiện tại, Gaza chắc chắn là nơi chứng kiến nhiều sự đau khổ nhất trên thế giới. Nhưng, điều này thực sự nghĩa là gì?
Điều đó có nghĩa là bệnh nhân ở đây phải trải qua những cuộc phẫu thuật mà không có thuốc giảm đau hay gây mê; nghĩa là trẻ em không thể hiểu tại sao cha mẹ không cho chúng thức ăn. Trong một video được chia sẻ mới đây, một người mẹ ở Gaza đã phải quay mặt khóc thầm khi đứa con hỏi đồ ăn nhưng bà không còn.
Điều đó có nghĩa là hàng trăm người có thể bỏ mạng dưới đống đổ nát; nghĩa là 50 nghìn phụ nữ mang thai không biết liệu những đứa bé có thể sống sót được không khi mà còn chưa ra đời.
Gaza - nơi của những điều đau khổ
Ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến này, Gaza đã là một nơi rất tồi tệ. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng mô tả Gaza như là một nhà tù mở lớn nhất thế giới. Thực tế, 16 năm trong vòng phong tỏa của quân đội Israel, Gaza cũng từng có những thời khắc tươi sáng. Nhưng, hiện giờ, với việc bị phong tỏa hoàn toàn, người dân nơi đây chỉ còn nghĩ đến cái chết, nỗi sợ hãi, không thực phẩm, không nước, không nhiên liệu và hứng chịu hơn 6.000 quả bom. Gaza đang là nơi thống khổ nhất trên trái đất này. Dĩ nhiên, không có sự đau khổ nào có thể biện minh cho vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel, nhưng nếu không thấu hiểu hết nỗi đau khổ của cả hai phía trong cuộc chiến này, thì cũng không thể tìm được giải pháp để chấm dứt vòng tròn đau khổ không có hồi kết này.
Lực lượng cứu hộ ở Gaza nói rằng họ không thể cứu hết tất cả. Ảnh: Hatem Moussa/AP
Israel, nơi nỗi sợ bao trùm khắp nơi
Cách đây 2 tuần, ở miền Nam Israel, 260 người tham gia lễ hội âm nhạc ngoài trời. Ngày 7.10, vào sáng sớm định mệnh, hàng loạt rocket do Hamas bắn trúng địa điểm này và sau đó lực lượng Hamas bắt đầu tràn vào, bắn và bắt cóc nhiều người. Nỗi sợ đang bao trùm khắp Israel. Nhiều người Israel từng thấy những tấm ảnh về 2 người trẻ tuổi ngồi ô tô đã trở thành 2 xác chết cháy, với gương mặt nhìn lên trời đầy ám ảnh. Nỗi sợ là hình ảnh người đàn ông lớn tuổi cầu xin tha mạng khi đang ẩn náu trong nhà nhưng sau đó bị phát hiện và bắn chết. Nỗi sợ là ánh nhìn sợ hãi trên gương mặt của một thiếu niên Israel. Nỗi sợ là hình ảnh người mẹ giữ chặt tấm hình con gái trên tay trong khi cầu xin các tay súng Hamas trả tự do cho con mình. Nỗi sợ cũng lan đến tận khu vực cách biên giới Li-băng vài km, nơi mà người dân tự hỏi liệu biên giới phía Bắc có khi nào phải chịu tổn thương như vùng phía Nam hiện giờ hay không. Nỗi sợ cũng là cách mà người Israel giam mình trong nhà sau “ngày thịnh nộ” của thế giới Ả-rập.
Đối với những ai nằm trong cuộc chiến kéo dài từ lâu này, có lẽ cảm xúc đang ngăn họ tìm đến các giải pháp. Trong khi phía Israel muốn trả đũa cho vụ tàn sát ngày 7.10, thì phía Palestine lại muốn “đòi nợ” cho cái chết của hàng nghìn thường dân ở Gaza. Vậy nên, nhiều người Israel cho rằng, hiện nay bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng là điều không thể và chiến tranh là trạng thái “bình thường mới” có tính lâu dài; còn nhiều người Palestine cũng có suy nghĩ tương tự: Vì sao lại phải thỏa hiệp với kẻ chiếm đóng mình hàng thập kỷ qua và đang giết hại hàng nghìn dân thường bằng bom mìn?
Giải pháp “hai nhà nước”
Kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu, các nhà lãnh đạo thế giới liên tục đề cập đến giải pháp “hai nhà nước”, vốn từng được LHQ đưa vào Nghị quyết 1947, trong đó xác định nhà nước Palesine “cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh” với Israel trong biên giới được quốc tế công nhận. Ý tưởng tiêu diệt Hamas cũng là phi thực tế, vì đây chỉ là một nhóm vũ trang như bao nhóm vũ trang khác tại Gaza. Chính sự chiếm đóng Bờ Tây và phong tỏa Gaza của quân đội Israel là nguồn sản sinh ra các nhóm này. Trong bài viết trên New York Times mới đây, nhà báo kỳ cựu Tom Friedman cho rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nên theo đuổi giải pháp hai nhà nước.
LÊ QUẢNG (Theo ABC)