Israel trả đũa sau khi bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “tội phạm chiến tranh”
Bộ Ngoại giao Israel yêu cầu tất cả các đại diện ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Động thái trả đũa việc Tổng thống Tayyip Erdogan nói nước này hành xử như "tội phạm chiến tranh".
Theo Hãng tin AFP, thông báo trên đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ chính trị và kinh tế song phương giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau một thập kỷ gần như đóng băng.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tiến hành trục xuất các nhân viên ngoại giao của nhau, sau vụ Tel Aviv bắn chết hàng chục người Palestine trong các cuộc biểu tình dọc biên giới Gaza. Họ mới chỉ đồng ý tái bổ nhiệm các đại sứ vào năm ngoái.
Hai nước cũng đang nối lại các cuộc thảo luận về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên do Mỹ hậu thuẫn - dự án được cho là cơ sở để hai nước hợp tác chặt chẽ và lâu dài hơn nhiều trong những năm tới.
Quan hệ ngoại giao hai nước giờ lại có khả năng rơi xuống mức thấp nhất như sau sự kiện Israel tấn công tàu chở hàng viện trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ vào Dải Gaza vào năm 2010, giết chết 10 người Thổ Nhĩ Kỳ, khiến quan hệ ngoại giao bị hạ cấp đến tận năm 2016.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước đám đông ủng hộ người Palestine hôm 28.10, trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas đang leo thang ở Dải Gaza - Ảnh: REUTERS
Vì đâu nên nỗi?
Trong suốt hai thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là người ủng hộ hàng đầu cho quyền của người Palestine. Ông đã khá im lặng khi xung đột Israel và Phong kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine bắt đầu nổ ra từ hôm 7.10.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm bảo vệ cho hơn 220 con tin bị lực lượng Hamas bắt giữ.
Nhưng sau đó, Tổng thống Tayyip Erdogan có nhiều phát ngôn chỉ trích cuộc tấn công trả đũa Hamas của Israel tại Dải Gaza.
Đầu tuần qua, ông cũng tuyên bố hủy kế hoạch đến thăm Israel vì cuộc chiến "vô nhân đạo" của nước này. Hôm 26.10, ông Erdogan cho rằng các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza "đã vượt quá giới hạn tự vệ" và bây giờ đó là "sự áp bức tàn bạo, tàn sát và dã man".
Ngày 28.10, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước đám đông ủng hộ người Palestine ở Istanbul, nói rằng Israel hành xử như một "tội phạm chiến tranh" và "cố gắng" tiêu diệt người Palestine.
"Trước những tuyên bố nghiêm trọng từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã yêu cầu các đại diện ngoại giao về nước để tiến hành đánh giá lại mối quan hệ giữa Israel và nước này" - Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thông báo trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), một động thái đáp trả những phát ngôn của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Theo Hãng tin AFP, thực tế Israel đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực như một biện pháp phòng ngừa an ninh từ đầu tháng 10. Nhưng tuyên bố mới nhất của Israel đã bổ sung thêm một khía cạnh ngoại giao mới cho việc triệu các nhân viên ngoại giao về nước.
Ông Erdogan chỉ trích cả phương Tây
Trong bài phát biểu hôm 28.10, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: "Thủ phạm chính đứng đằng sau vụ thảm sát đang diễn ra ở Gaza là phương Tây".
Ông cáo buộc phương Tây không ngăn chặn được các cuộc ném bom dữ dội của Israel nhằm trả đũa Hamas.
Đến nay, các cuộc tấn công Israel ở Gaza đã giết chết hơn 7.700 người, chủ yếu là dân thường, trong đó có 3.500 trẻ em.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có đông đảo dân số theo đạo Hồi. Vị trí địa lý khiến nước này trở thành bức tường thành phòng thủ cho NATO ở rìa Trung Đông.
Nhiều thành viên NATO đã lên tiếng ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas, cảnh báo Iran và các nhóm được nước này hậu thuẫn không "lợi dụng tình hình" để tấn công Israel.
Mỹ đã gửi nhiều hệ thống phòng không và binh lính đến Trung Đông, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cam kết sẽ cho phép người Israel sử dụng máy bay không người lái Heron, theo báo Politico.
(Theo THANH HIỀN/TTO)