BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Khi nông dân bày tỏ lòng biết ơn
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở huyện Phù Cát có sự thay đổi vượt bậc, hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống nông dân tốt hơn... Ði tìm nguyên nhân, điều tôi được nghe nhiều nhất là sự giúp sức của khoa học.
Nghe những người nông dân chân lấm tay bùn tấm tắc ngợi ca sức mạnh của khoa học, nhiệt tâm của cán bộ khuyến nông, bày tỏ lòng biết ơn đến chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước, một người sinh ra và lớn lên ở Phù Cát, làm việc cũng tại đây, gần gũi với nông dân đã nhiều năm như tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Chỉ sau khi trở lại từng thôn, từng xã… tôi hiểu ra, khi người nông dân bày tỏ lòng biết ơn thành lời thì đó thật sự là cả tấm lòng.
Biết ơn dòng nước tưới mát cánh đồng
Với hơn 16.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.400 ha đất lúa và 9.100 ha đất màu, Phù Cát là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Những năm qua, huyện đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, mùa vụ, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, tạo thu nhập cho nông dân.
Nông dân Phù Cát rất tích cực áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch nông sản. Ảnh: T. GIANG
Nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, đến nay Phù Cát có 24 hồ thủy lợi/hơn 72 triệu m3, 298 km kênh mương nội đồng đưa nước tưới mát những cánh đồng. Đặc biệt, từ năm 2016, khi hệ thống kênh Văn Phong đi qua 6 xã, thị trấn: Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Tường, Cát Nhơn, Ngô Mây; tiếp đó đến năm 2017 hệ thống kênh Thuận Ninh đi qua 2 xã Cát Hiệp và Cát Hanh, có thể nói sản xuất nông nghiệp của Phù Cát “cất cánh” từ đó.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, tâm tình: Như tên gọi xứ sở này - Phù Cát, tức là cát nhiều hơn đất, lại thiếu nước tưới triền miên. Trong khi đó, tự xa xưa ông bà ta đã đúc kết “nhất nước…” nên có thể nói sản xuất nông nghiệp ở đây đụng chỗ nào thấy khó chỗ đó. Thế nên, khi cùng một lúc có tới 8 xã, thị trấn được cấp đủ nước tưới, đáng gọi đó là kỳ công! Nước từ các hệ thống kênh không những đảm bảo đủ tưới quanh năm mà còn bổ sung cho nguồn nước ngầm ở vùng lân cận để người dân đào ao, khoan giếng lấy nước tưới. Thực tế nhiều năm gần đây, Phù Cát không còn khổ sở với hạn hán nữa.
Xã Cát Tân có hơn 810 ha đất canh tác, trước năm 2016, gần 50% diện tích chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Từ khi kênh Văn Phong đi qua, người dân Cát Tân sản xuất quanh năm, mùa nào thức nấy, lại có thêm nhiều sự lựa chọn. Ông Lê Ngọc Út, ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, cho biết: Kênh Văn Phong cấp nước tưới dồi dào, mỗi vụ gia đình tôi làm 1 ha đậu phụng và 0,5 ha lúa, cộng với nguồn phân chuồng sẵn có nên các loại cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn trước rất nhiều, thu nhập vì thế cũng khá hơn.
Nhờ hệ thống kênh thủy lợi Văn Phong cung cấp đủ nước tưới nhiều địa phương ở Phù Cát có thêm cơ hội thâm canh, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến. Ảnh: T. GIANG
Đi thăm 8 xã hưởng lợi từ 2 hệ thống kênh Văn Phong và Thuận Ninh, ở đâu tôi cũng nghe nông dân khoe đời sống khấm khá hơn nhờ nước tưới dồi dào và tấm tắc khen Nhà nước làm ra nhiều công trình tốt, có lợi cho dân. Đất, nước thay đổi khiến con người cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn. Khắp làng trên xóm dưới người người phấn khởi lao động sản xuất!
Thuyết phục dân tham gia chuyển đổi
Giải quyết được bài toán thiếu nước tưới, lãnh đạo huyện Phù Cát bắt tay ngay vào việc động viên, thuyết phục nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích 3.155 ha; đồng thời, chuyển 4.390 ha từ 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang 2 vụ lúa ăn chắc/năm và 2.053 ha từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu/năm. Cùng với đó từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, góp phần nâng giá trị thu nhập với mục tiêu “1 ha canh tác - 130 triệu đồng/năm”.
Xã Cát Minh có gần 500 ha đất lúa, trong đó có 400 ha sản xuất
3 vụ/năm. Năm 2021, xã chuyển toàn bộ 400 ha này sang sản xuất 2 vụ/năm, đồng thời phối hợp với các DN, ngành chức năng cung ứng các loại giống lúa mới chất lượng cao, cán bộ khuyến nông theo sát dân, chuyển giao tiến bộ KHKT… Ngay vụ đầu tiên đã giành thắng lợi lớn - năng suất cao, lúa được giá, tiết kiệm chi phí, lợi nhuận vượt trội.
Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, kể: Ban đầu mọi việc khó khăn ghê lắm. Bà con không muốn bỏ thói quen, tập quán sản xuất cũ. Nhưng chúng tôi quyết tâm thuyết phục, động viên, thậm chí còn cam kết - thu nhập của bà con nào thấp hơn trước chúng tôi sẽ bù đủ. Thực tế cho thấy, cách làm mới mang lại rất nhiều lợi ích, hiệu quả thấy rõ, tiết kiệm chi phí đầu tư, đất có thời gian nghỉ, tăng độ màu mỡ, diệt được mầm bệnh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật… Từ vụ thứ hai, bà con tự học hỏi nhau để làm theo. Chính những người mất công thuyết phục nhất là những người sau đó cảm ơn chúng tôi nhiều hơn cả. Được dân tin có vô số cái lợi, sau này làm chuyện gì cũng dễ!
Trong chuyển đổi cây trồng, Phù Cát tập trung mở rộng diện tích những loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng và chịu khó đưa giống mới vào canh tác, nhất là đậu phụng, bắp lai, mè, dừa xiêm, xoài cát Hòa Lộc… Hiện, mỗi năm toàn huyện sản xuất khoảng 5.100 ha đậu phụng; với mức lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Đây được xem là cây làm giàu của nông dân; đặc biệt với những diện tích có điều kiện xen canh, mức lãi còn cao hơn nhiều. Tương tự cây đậu phụng, mang lại niềm phấn khởi cho nông dân Phù Cát còn có cây dừa xiêm, xoài, mè… Và chúng cũng có điểm chung: Đủ nước, giống mới, kỹ thuật canh tác mới.
Ruộng đậu phụng giống mới xen canh với dừa xiêm, xoài cát Hòa Lộc, đồng thời áp dụng tưới tiết kiệm góp phần giúp nông dân Cát Hiệp nâng cao giá trị thu nhập lên nhiều lần so với trước trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh: T. GIANG
Bà Huỳnh Thị Cẩm Sen, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 1,5 ha/vụ. Cây đậu phụng phù hợp với đất cát, khi có đủ nước, sử dụng giống mới nên năng suất rất cao. Hơn nữa, nhờ canh tác theo hướng an toàn, chất lượng hạt đậu cao hơn hẳn so với trước, nhờ đó rất dễ bán, lại được giá hơn.
Bay lên trên đôi cánh khoa học
Đi đôi với mở rộng diện tích cây trồng có giá trị, Phù Cát còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như: Thiết lập hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân vi sinh, dùng chế phẩm sinh học để làm phân bón… qua đó, giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư và tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, phẩm cấp cao hơn.
Đến nay, hơn 80% diện tích cây trồng cạn ở Phù Cát được tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm (tưới phun tia, tưới nhỏ giọt). Ông Nguyễn Ngọc Anh, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, cho biết: Tôi trồng 0,5 ha đậu phụng, đầu tư hệ thống tưới phun tia gần 1,3 triệu đồng. Nhờ đó, việc tưới nước ít tốn công, nhanh hơn, tiết kiệm nước… Tính ra đầu tư một lần mà dùng được nhiều năm, lợi hơn tưới bằng ống nhựa như lúc trước khá nhiều.
Cùng với đó, huyện tích cực hỗ trợ để bà con quen dần với việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất, triển khai nhiều mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, chuyển dần sang thói quen sử dụng phân hữu cơ, vi sinh; giảm dần lượng phân bón vô cơ, đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM)… Nhờ đó, Phù Cát đã có 40 ha xoài được cấp chứng nhận VietGAP (50 ha xoài, 50 ha dừa xiêm nữa đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp chứng nhận này).
Phù Cát hiện đang tập trung hoàn thiện và triển khai đề án phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 đạt giá trị canh tác 150 triệu đồng/ha và đến năm 2030 đạt 180 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất và sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dần từ sản xuất nhỏ sang quy mô tập trung; tăng năng suất và phẩm cấp nông sản, qua đó tăng nhanh hiệu quả kinh tế, giúp bà con nhanh chóng nâng cao mức sống.
TRƯỜNG GIANG