Việt Nam hợp tác với EU đẩy mạnh Chuyển đổi Năng lượng Xanh
Việt Nam là một trong 4 quốc gia đã ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu.
Một dự án điện gió tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thúc đẩy các Sáng kiến Xanh là một trong những nội dung mà Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế đang phối hợp triển khai, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh năm 2023 vừa được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Chính phủ đã hoan nghênh và ủng hộ các chiến lược và sáng kiến quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tăng cường hợp tác cộng đồng doanh nghiệp để đạt được những Thỏa thuận Xanh, Chiến lược Kinh tế Biển, Kinh tế Số...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và EU cùng chia sẻ tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho tăng trưởng và phát triển Xanh.
Việt Nam luôn đề cao quan điểm phát triển bao trùm, xanh và bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo.
Với quan điểm đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đã ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu.
Trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên về năng lượng gió, điện mặt trời, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh Chuyển đổi Năng lượng Xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết Liên minh châu Âu đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ nền Kinh tế Xanh và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Xanh châu Âu đã mang lại những kết quả tích cực. Năm 2022, lượng phát thải khí nhà kính ở châu Âu đã giảm khoảng 2,5%, trong khi nền kinh tế tăng trưởng 3,5%. Đây là bằng chứng cho thấy việc giảm phát thải khí nhà kính thành công là khả thi cùng với việc duy trì tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những động lực chính để chuyển đổi sang nền Kinh tế Tuần hoàn là sự nhận thức tài nguyên thiên nhiên là có hạn. Nhu cầu về các nguồn tài nguyên này tiếp tục gia tăng trong Liên minh châu Âu và trên toàn cầu.
Trong môi trường đầy cạnh tranh này, việc tối đa hóa các nỗ lực tái chế trở nên tối quan trọng vì lợi ích của tất cả mọi người. Mô hình “khai thác-sản xuất-thải bỏ” lỗi thời không còn bền vững nữa và việc chuyển đổi sang nền Kinh tế Tuần hoàn là cấp thiết.
Ở Liên minh châu Âu, việc tạo ra các sản phẩm bền vững và tuần hoàn đã trở thành một tiêu chuẩn để đảm bảo đến năm 2030, ít nhất 15% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô thiết yếu hằng năm có thể từ việc tái chế. Điều này còn trở nên cấp bách do giá nguyên liệu thô biến động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra trong những năm gần đây. Do vậy, không có cách nào khác là tăng cường sản xuất vật liệu tái chế.
Với cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện Liên minh châu Âu và Việt Nam đang có chung lợi ích trong việc chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh, ít phát thải. Những lợi ích chung như vậy có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình sự hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Thông qua cơ chế JETP, Liên minh châu Âu sẽ cung cấp các nguồn lực đáng kể để đồng hành cùng Việt Nam.
Ông Julien Guerrier nhấn mạnh việc theo đuổi sự phát triển bền vững trong nền kinh tế mang đến cả cơ hội và thách thức. Một mặt, việc áp dụng thực tiễn và công nghệ bền vững sẽ mở ra những con đường mới cho sự Đổi mới Sáng tạo, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, cho phép xây dựng một xã hội mạnh mẽ và bao trùm hơn,
Mặt khác, cần đánh giá lại hệ thống và tư duy hiện tại để chuyển sang các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bằng cách hợp tác giữa các cơ quan công quyền và khu vực tư nhân, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam có thể khai thông tiềm năng để tạo ra một tương lai Xanh hơn, thịnh vượng hơn.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên một tòa nhà tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần thảo luận các biện pháp để tận dụng triệt để Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), qua đó củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại song phương.
Các doanh nghiệp châu Âu xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, Hydrogen Xanh, Hạ tầng Xanh, Chuyển đổi Số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm Đổi mới Sáng tạo, trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực Chuyển đổi Xanh và hình thành chuỗi giá trị Hydrogen Xanh ở Việt Nam...
Theo Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)