Hàng giả mua bán trên mạng vẫn "nhức nhối", ĐBQH “truy” Bộ trưởng Bộ Công Thương
Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề "nhức nhối", đặc biệt qua các kênh bán hàng online. Đáng lưu ý nhất là hàng giả nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc…
Sáng 7.11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội bước vào ngày thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lê Đoàn An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt qua các kênh bán hàng online.
Đại biểu Lê Đoàn An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Đáng lưu ý nhất là hàng giả nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc… Nhiều vụ việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay mà chưa có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước hay Hội Bảo vệ người tiêu dùng dẫn đến nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý thích đáng.
Đại biểu Lê Đoàn An Xuân đặt vấn đề: “Đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này, để người tiêu dùng, người sản xuất chân chính được bảo vệ?”
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (DN)
“Thời gian qua, doanh thu bán lẻ từ hoạt động thương mại điện tử đạt từ 16-19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20-25%. Đây là một tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng như ĐBQH nêu, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.
Như vụ việc ở trung tâm mua sắm Sài Gòn khi phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng; vụ kiểm tra 3 tổng kho hàng lậu ở Tuyên Quang; xử lý 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
“Những tháng đầu năm nay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 197 vụ, phạt tiền lên đến 78 tỷ đồng giá trị hàng hóa liên quan đến sản phẩm nhập lậu, hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, website, thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: Bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng.
Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Theo Cẩm Tú (VOV.VN)