Hoạt động KHCN cấp huyện 6 tháng đầu năm 2014:
Triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) cấp huyện 6 tháng đầu năm 2014 đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình đã được triển khai nhằm phát huy thế mạnh của địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy vậy, hoạt động KHCN cấp huyện vẫn cần có những điều chỉnh để phát huy hiệu quả cao hơn.
Theo Sở KH-CN, hoạt động KHCN cấp huyện 6 tháng đầu năm 2014 đã tập trung xây dựng các mô hình, lĩnh vực nông nghiệp như: lai tạo, nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi chình bông, sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu suất cây trồng, nuôi gà an toàn sinh học, trồng lúa nước ở vùng cao… có hiệu quả. Các huyện xây dựng mô hình chủ yếu từ kinh phí khuyến nông và kinh phí sự nghiệp KHCN cấp huyện, từng bước đưa giống cây, con mới, công nghệ mới, ứng dụng vào thực tế sản xuất. Khi có kết quả thì hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao cho người dân nhân rộng mô hình.
Kiểm tra mô hình sử dụng chế phẩm Bitricho do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định sản xuất phòng ngừa bệnh thối cổ rễ ở cây tiêu tại Hoài Ân. Ảnh: HOÀNG LÂN
Nhiều mô hình đã được triển khai, như: huyện Vân Canh xây dựng mô hình lai tạo bê lai giống ngoại, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò cỏ thành bò lai chất lượng cao, nuôi chình bông thương phẩm…; huyện Phù Mỹ đưa cây tiêu về trồng thử nghiệm trên đất Vạn An, xã Mỹ Châu, nuôi chình bông thương phẩm tại xã Mỹ Trinh và thị trấn Phù Mỹ; huyện Vĩnh Thạnh trồng thử nghiệm 2 ha cây cam giống mới, chất lượng cao tại xã Vĩnh Hảo, nuôi bò thịt chất lượng cao ở Vĩnh Thịnh...
Cũng từ nguồn vốn KHCN hàng năm, các huyện đang đầu tư xây dựng để được bảo hộ về sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…) cho sản phẩm đặc trưng truyền thống địa phương. Huyện Phù Mỹ xây dựng bảo hộ được nhãn hiệu chứng nhận cho “Kiệu Phù Mỹ” và đang xúc tiến cho một số sản phẩm khác, như: cá cơm Mỹ An, rượu Trung Thứ, nếp Mỹ Thọ… Phù Cát đang xúc tiến bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nón ngựa Phú Gia. Hoài Nhơn có bánh tráng nước dừa, mè xửng bà Giàu; Vĩnh Thạnh có rượu Vĩnh Cửu…
“Hoạt động KHCN cấp huyện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì đa số chưa có cán bộ chuyên trách, quản lý nhà nước về KHCN”
Mặc dù nhiều mô hình đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH-CN, các mô hình, đề tài nghiên cứu ứng dụng đa phần vẫn ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; rất ít đề tài ở các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động KHCN cấp huyện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì đa số chưa có cán bộ chuyên trách, quản lý nhà nước về KHCN. Cán bộ kiêm nhiệm cũng thường xuyên thay đổi, nên không nắm bắt kịp chủ trương, chính sách, nội dung quản lý về KHCN. Vì vậy, công tác tham mưu và triển khai các hoạt động KHCN ở các huyện còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, trong 6 tháng cuối năm 2014, hoạt động KHCN tại các địa phương sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực cấp thiết như: huyện Tây Sơn chú trọng tìm công nghệ gạch không nung phù hợp để thay dần lò gạch ngói thủ công; huyện Phù Mỹ tiếp tục hoàn thiện đề tài áp dụng kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất, hàm lượng tinh bột cây mì; huyện Vĩnh Thạnh tập trung mô hình trồng ớt, ương nuôi cá chình bông giống, trồng thử nghiệm cây làm thuốc: hà thủ ô, lan kim tuyến…
Ông Lê Công Nhường, Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Mặc dù hoạt động KHCN cấp huyện trong năm nay đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như yêu cầu. Một số huyện vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch KHCN, sử dụng nguồn vốn dành cho KHCN không đúng với hướng dẫn và mục đích sử dụng là chi cho nghiên cứu ứng dụng, mô hình, đề tài, dự án, thông tin, tập huấn… về KHCN. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời hỗ trợ các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ KHCN.
MAI HỒNG