Những nốt nhạc vui ở ngoại ô Quy Nhơn
Nếu hình dung - tuyến đường từ ngã ba Phú Tài, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) theo hướng vượt đèo Cù Mông, theo QL 1 xuôi Nam vào đến cầu Bình Phú, sau đó theo QL 1D trở lại đèo Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng - như một cánh cung, thì rải rác trên “khung cung”, một bên núi một bên xóm làng yên bình, một bên đồi một bên gành biển xôn xao, đầm hồ xinh đẹp hữu tình.
Mấy năm gần đây, trên cung đường này, cùng với những cánh rừng phòng hộ, rừng kinh tế, những vườn cây ăn trái đã vươn lên xanh tốt, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Vườn quả ngọt sáng lên cơ hội làm du lịch
Dẫn tôi tham quan vườn cây ăn trái của gia đình, vợ chồng ông Phạm Tốt (SN 1946) và bà Phạm Thị Mai (SN 1949, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) kể: Nhiều năm trước, khi quyết định làm vườn cây ăn trái, vợ chồng tôi lần lượt khoanh vùng một số giống cây có giá trị kinh tế cao; để tránh cạnh tranh không cân sức với nhà vườn miền Nam, tôi chọn những loại có thể cho quả trái vụ…
Ông Phạm Tốt (bên trái) chia sẻ niềm vui về vụ chôm chôm thắng lớn với cán bộ Chi hội nông dân phường Bùi Thị Xuân. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Trên diện tích 2 ha, ông Tốt trồng chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh và sầu riêng. Biết chân đất vườn mình không được màu mỡ, hai vợ chồng chịu khó cải tạo đất bằng phân chuồng, phân xanh. Và ngay từ nhiều năm trước, khi xu hướng canh tác theo hướng hữu cơ còn chưa phổ biến, họ đã tìm học, nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm chăm sóc vườn theo hướng hữu cơ, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ thành công. Nhờ đó chất lượng trái cây của vườn rất cao, được tín nhiệm, mỗi năm khu vườn này mang lại cho gia đình ông Tốt hơn 300 triệu đồng. Mấy năm gần đây, vườn còn có thêm một nguồn thu khác khi đón nhiều khách đến tham quan. Đây là tiền đề quan trọng để vợ chồng ông tính đến khả năng phát triển vườn cây ăn trái kết hợp phục vụ du lịch sinh thái.
Tại khu phố 8, phường Bùi Thị Xuân, ông Nguyễn Văn Tư (SN 1933) có trang trại rộng hơn 2 ha áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, đem lại thu nhập cao. Trang trại của ông Tư có hơn 1.000 cây bưởi da xanh, mít thái và chuối; riêng bưởi da xanh ông bố trí một khu trồng 400 cây theo hướng VietGAP. Cùng với đó, ông làm hồ sen, nuôi cá, vừa tăng thu nhập vừa tạo thêm cảnh quan để phục vụ cho khách tham quan thư giãn. Ông Tư cho biết: Từ khi có QL 1D, lượng xe cộ qua khu vực này giảm hẳn, suốt một dải dài từ Phú Tài vào tới đèo Cù Mông, trừ vài đoạn có nhà máy ra, cảnh quan như một khu nghỉ dưỡng khổng lồ. Và thực tế nhiều người đã âm thầm đầu tư xây dựng trang trại, lập nhà vườn trồng cây ăn trái để đón cơ hội.
QL 1D đoạn đi qua phường Ghềnh Ráng có nhiều vùng cảnh quan giàu tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Chủ những nhà vườn ở phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ghềnh Ráng mà tôi đã trò chuyện hết thảy đều rất tâm đắc với định hướng phát triển vườn cây ăn trái an toàn, chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, VietGAP mà tỉnh cũng như TP Quy Nhơn đang khuyến khích.
Ông Cao Văn Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố 8, phường Bùi Thị Xuân, chia sẻ: Chi hội có 32 hộ trồng cây ăn trái, hầu hết đều đang đầu tư phát triển khu vườn, nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách tiếp cận tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt trên địa bàn phường còn có một số điểm tham quan lý tưởng như: Suối Mơ, Suối Dứa, hồ Long Mỹ… nên hầu như chủ vườn nào cũng tính đến việc phát triển vườn cây theo hướng thân thiện và tìm cách gia tăng lợi ích khi kết hợp phục vụ du lịch sinh thái.
Ngả lưng trên võng treo, trong tầm mắt là biển
Cách trung tâm TP Quy Nhơn chỉ khoảng 3 km, phường Ghềnh Ráng sở hữu vùng biển đẹp kéo dài với cát vàng sóng xanh. Vài năm gần đây, cùng với những điểm du lịch, nghỉ dưỡng phía biển; phía núi, đồi Ghềnh Ráng cũng lẳng lặng thu hút nhiều khách tham quan đến với suối nước, thung lũng và những vườn cây trái ngọt lành.
Tiếp chuyện thân thiện, cởi mở, vợ chồng anh Lưu Văn Thanh (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Kim Nhung (SN 1977) ở khu phố 1, phường Ghềnh Ráng, hồ hởi: Chúng tôi có hơn 4 ha vườn cây ăn quả được trồng từng khu riêng biệt, vừa dễ chăm sóc, thu hoạch, vừa thuận tiện để đầu tư phục vụ khách tham quan nhà vườn. Chị cứ hình dung mà xem, trưa hè trong khu vườn thơm ngát hương trái cây nơi lưng chừng đồi, treo võng dưới tán xoài ngả lưng, trong tầm mắt mình xa xa bên kia QL 1D là biển xanh thì có thích không! Nhờ kết hợp sản xuất với kinh doanh như vậy, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Cũng như hàng trăm nhà vườn ở vùng ngoại ô trên “khung cung”, điểm chung dễ thấy ở hầu hết các nông hộ này là họ đều được chính quyền, hội, đoàn thể tích cực hỗ trợ làm chủ kỹ thuật canh tác mới, giống mới, được cập nhật KHKT, công nghệ mới, được hướng dẫn để đầu tư xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản. Riêng về lĩnh vực cây ăn quả, đến nay, Hội Nông dân phường Bùi Thị Xuân đã thành lập 1 chi hội nghề nghiệp và 2 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, với tổng diện tích hơn 100 ha. Hội Nông dân phường Ghềnh Ráng đã thành lập 1 chi hội nghề nghiệp và 1 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, với tổng diện tích hơn 72 ha.
Nốt nhạc vui trên “khung cung”
Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là việc nâng cấp mở rộng QL 1D, mở đường Long Vân - Long Mỹ, hình thành khu đô thị Long Vân… đã tạo không gian điểm nhấn, trục cảnh quan; đồng thời, việc tỉnh Bình Định quy hoạch hơn 20 điểm dịch vụ du lịch dọc biển đã đánh thức tiềm năng, từng bước phát triển những giá trị, lợi thế về du lịch của một dải ngoại ô Quy Nhơn.
Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, cho biết: Với sự kết hợp hài hòa giữa núi đồi, gành đá, bãi cát vàng, sóng biển xanh… và gần đây là những vườn cây ăn trái, có thể nói tiềm năng khai thác du lịch của Ghềnh Ráng còn bao la. Doanh thu từ các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn hằng năm ước đạt khoảng 319 tỷ đồng, chiếm 41% trong cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương, tôi tin là tới đây sẽ còn tăng nhiều nữa.
Ở một góc độ khác, sau một chuyến về thăm Quy Nhơn, chủ một DN lữ hành ở TP Hồ Chí Minh (đề nghị không nêu tên) “bật mí”: Vùng ngoại ô Quy Nhơn có nhiều tiềm năng rất rõ ràng, chỉ cần khơi lên là thu hoạch. Một ví dụ, cách trung tâm thành phố chưa được 20 phút đi xe máy thong thả, hồ Long Mỹ rất đẹp và gần, nhưng hồ này chủ yếu vẫn chỉ là một công trình cấp nước cho sản xuất nông nghiệp là chính. Hãy hình dung nếu ven hồ là rừng cây ăn trái thì cảnh quan sẽ đẹp, hấp dẫn đến đâu nữa. Tại đây ta còn có thể mở dịch vụ camping, bơi thuyền, sinh hoạt dã ngoại. Những bạn mê phượt có thể trekking từ đây vượt những sườn núi thoai thoải sang Vũng Chua rồi về lại Quy Nhơn hoặc ngược lại. Khu đô thị Long Vân đang thành hình, nhu cầu thư giãn, nghỉ dưỡng nhất định sẽ tăng lên rất cao. Hồ Long Mỹ rõ ràng là một “nàng công chúa đang ngủ say” cần sớm đánh thức!
Đã có một số cơ sở cung cấp dịch vụ camping, chèo SUP ở hồ Long Mỹ theo yêu cầu của khách đặt trước. Ảnh: THANH ĐÔNG
Nghe tôi chuyển lại tâm tư tình cảm, nguyện vọng cũng như những đề xuất được hỗ trợ của người dân nói chung, các nhà vườn nói riêng, bà Nguyễn Bảo Cẩm Thạch, Phó trưởng Phòng Kinh tế (UBND TP Quy Nhơn) chia sẻ: Dù bước đầu tạo được ấn tượng khá tốt, song việc khai thác các khu vườn này vào du lịch trải nghiệm đa phần là tự phát, quy mô nhỏ… Thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ để bà con tiếp tục đầu tư canh tác theo hướng an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường, chúng tôi sẽ tính toán nghiên cứu đề xuất để có thể kết hợp phát triển hài hòa đồng bộ giữa nông nghiệp với du lịch, tăng tối đa lợi ích cho người dân.
NGUYỄN NGUYỆT