Vân Canh: Sẵn sàng phương án chủ động ứng phó với thiên tai
Là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai (đặc biệt là ngập lụt, sạt lở), công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó, nhất là ở những vùng xung yếu được huyện Vân Canh đặc biệt quan tâm.
Mới bắt đầu mùa mưa, tuyến đường từ làng Hà Giao đi làng Kà Nâu (xã Canh Liên), bờ ngự thủy ở xã Canh Vinh hay suối Bà Lương (xã Canh Hiển) đã xuất hiện các điểm sạt lở, đe dọa các khu dân cư, gây ách tắc giao thông. Trước tình hình này, các ngành chức năng của huyện Vân Canh đã huy động phương tiện, lực lượng tổ chức gia cố, khắc phục.
Theo ông Đinh Văn Mực - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, toàn xã có gần 850 hộ dân với hơn 2.800 nhân khẩu sống ở 8 làng. Các làng định cư rải rác tại các khu vực gần suối, sườn đồi. Mùa mưa lũ các năm trước, 7 làng của xã thường bị chia cắt do địa hình phức tạp, nước suối dâng cao và đường đi bị ách tắc do sạt lở. Riêng làng Canh Tiến mùa mưa lũ thường bị cô lập hoàn toàn do mực nước hồ Núi Một dâng cao.
“Hiện hơn 200 hộ dân nằm trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi sạt lở, ngập lụt hay có nhà đơn sơ, bán kiên cố trên địa bàn đang được địa phương theo dõi đặc biệt. Ngay khi có mưa lớn, có nguy cơ mất an toàn cao, chúng tôi sẽ tổ chức di dời, sơ tán đến hơn 30 điểm an toàn đã được bố trí”, ông Mực cho hay.
Trong khi đó, Trưởng Ban Quản lý làng Canh Tiến (xã Canh Liên) Đinh Văn Tào chia sẻ, nhờ được tuyên truyền kỹ nên bà con trong làng chủ động các phương án để cuộc sống ít bị đảo lộn trong mùa mưa lũ.
“Ngoài 1 tấn gạo xã hỗ trợ để dự phòng, thời điểm này nhà nào cũng chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm phòng trong trường hợp bị cô lập dài ngày. Chúng tôi cũng đến từng nhà nhắc nhở bà con không đi rừng thăm bẫy, không đi xuồng trên hồ Núi Một khi mưa lũ xảy ra để tránh các sự cố đáng tiếc”, ông Tào nói.
Lãnh đạo huyện Vân Canh kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở ở xã Canh Liên. Ảnh: THÙY GIANG
Huyện Vân Canh xác định hai xã Canh Vinh, Canh Hiển và những vùng thấp dọc sông Hà Thanh sẽ là những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt nếu xảy ra mưa lớn. Riêng xóm Hội Sơn (thôn Tăng Lợi), các thôn Bình Long, Tăng Hòa, An Long 1 (xã Canh Vinh) và thôn Thanh Minh, Chánh Hiển (xã Canh Hiển) là những địa bàn dân cư sẽ bị chia cắt khi có lũ lớn. Bên cạnh đó, tuyến đường từ ngã ba Cà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông (xã Canh Liên) và đường từ làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) đến thôn Đa Lộc (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) hiện là hai khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi xảy ra sạt lở.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, thượng tá Hà Minh Chiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Vân Canh, cho biết: “Ngoài lực lượng thường trực cùng dân quân tự vệ của các địa phương, Ban CHQS huyện cũng hiệp đồng với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 như Lữ đoàn Pháo binh 675, Trung đoàn Vận tải 655, Bệnh viện Quân y 13, Tiểu đoàn Phòng hóa 906 để thống nhất phương án, sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống về thiên tai”.
Những ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Vân Canh đã đi kiểm tra, đánh giá nguy cơ ở từng khu vực, triển khai các phương án phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”. UBND huyện quán triệt và chỉ đạo các ngành, địa phương từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, tránh các loại hình thiên tai.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương bố trí phương tiện và nhân lực túc trực để xử lý sự cố xảy ra; dự trữ sẵn sàng một số lương thực, thực phẩm thiết yếu với phương châm tuyệt đối không để người dân đói. Tùy theo diễn biến của mưa lũ, các địa phương sẽ tổ chức rà soát, triển khai di dời dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, vùng dễ gây sạt lở...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Phan Văn Cường thông tin.
HỒNG PHÚC