Miệt mài hành trình truyền lửa nghề
Khác nhau về xuất phát điểm, ngành nghề đào tạo, nơi công tác, song cả 3 nhà giáo đều có chung duyên nợ với giáo dục nghề nghiệp, đầy tâm huyết với hành trình truyền lửa cho sinh viên, góp sức tạo ra một thế hệ lao động vững tay nghề.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện của 3 nhà giáo tiêu biểu, đại diện của 3 trường: CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, CĐ Y tế Bình Định, CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ. Đây cũng là các nhà giáo đạt thành tích cao tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2023.
Duyên nợ
Trước khi đến với giáo dục, anh Nguyễn Hà Nam Huân (37 tuổi, khoa Y Trường CĐ Y tế Bình Định) đã có 10 năm là bác sĩ điều trị tại khoa Nội thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh. Duyên nợ níu chân anh về công tác tại trường sau một chuyến thiện nguyện khám bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi do BVĐK tỉnh và nhà trường phối hợp thực hiện.
Bác sĩ - giảng viên Nguyễn Hà Nam Huân
“Làm quen và tiếp xúc với các thầy cô, sinh viên, tôi cảm thấy yêu mến môi trường sư phạm và bắt đầu tìm hiểu về trường. Nhận thấy bản thân đã có nhiều năm công tác tại bệnh viện, có nhiều kinh nghiệm lâm sàng, tôi tin mình có thể đảm đương công việc của một người thầy là truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các sinh viên ngành y dược. Sau đó, tôi quyết định xin chuyển công tác về Trường CĐ Y tế vào tháng 5.2020”, bác sĩ - giảng viên Huân chia sẻ.
Tốt nghiệp kỹ sư ngành Cơ điện lạnh Trường ĐH Thủy sản Nha Trang, anh Phan Ngô Châu Vương (38 tuổi) về làm việc tại Công ty Bia Miền Trung - Khánh Hòa. Năm 2012, nhận được thông tin Trường CĐ Nghề Quy Nhơn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) tuyển giảng viên nghề Điện lạnh, anh quyết định tham gia thi tuyển. Đến nay, anh có hơn 10 năm gắn bó với đam mê tại ngôi trường giàu truyền thống và góp sức cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực. “Ngẫm lại, tôi nghĩ là nghề đã chọn người”, anh Vương tâm sự.
Cũng rẽ ngang qua nghề giáo khi đang làm việc tại một công ty nước ngoài chuyên về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, chị Nguyễn Thị Hoang (29 tuổi) đã gắn bó với vị trí giảng viên bộ môn Thú y, khoa Nông Lâm nghiệp, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ 7 năm. Chị Hoang nhớ lại: “Đam mê nghề giáo từ khi còn rất nhỏ, nên khi có cơ hội được trở thành giảng viên, tôi nắm bắt ngay”.
Không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ
Trân quý mối duyên với nghề giáo, mỗi giảng viên đều đặt ra yêu cầu cao cho hành trình truyền nghề của mình.
Gần 4 năm công tác tại Trường CĐ Y tế Bình Định, bác sĩ - giảng viên Nguyễn Hà Nam Huân thường xuyên học hỏi từ các đồng nghiệp; đồng thời, tự học, tự tìm tòi thêm các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng.
Anh Huân cho biết: “Về chuyên môn nghề, tôi tiếp tục tham gia điều trị bệnh nhân tại bệnh viện kết hợp với hướng dẫn sinh viên thực hành, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng. Y dược là ngành khoa học về sức khỏe nên tôi luôn đặt ra yêu cầu cho chính mình về việc cập nhật kiến thức chuyên môn (tham dự các hội nghị, hội thảo y khoa…) để luôn bắt kịp sự tiến bộ của ngành y, kịp thời đưa đến cho sinh viên những kiến thức mới nhất”.
Yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới ngày một cao. Những giảng viên như anh Vương, chị Hoang nỗ lực trải nghiệm thực tế tại DN, nơi sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng mới. Đồng thời, tự mài dũa, tiếp cận công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp đào tạo.
Được khoa, trường tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, anh Vương đã hoàn thành luận văn thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình nâng cao tay nghề, năng lực sư phạm, anh luôn xác định mục tiêu “sẽ là người thợ chuyên nghiệp tại công trường nhưng cũng là người thầy mẫu mực tại giảng đường”.
Giảng viên Phan Ngô Châu Vương
Còn chị Hoang chia sẻ: “Phương châm dạy học của tôi luôn lấy học sinh sinh viên làm trung tâm, tạo cho sinh viên luôn trong tâm thế chủ động học hỏi, truyền cảm hứng tích cực và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp nhất cho các em”.
Truyền lửa nghề
Ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thách thức. Để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể gắn bó bền chặt với nghề đã học, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nỗ lực truyền lửa, giúp sinh viên xây dựng đúng thái độ với nghề nghiệp.
Phác họa về sự vất vả, áp lực của nghề y, anh Huân cũng nhấn mạnh với sinh viên ý nghĩa thiêng liêng, đầy tự hào của công việc. Anh bảo: Thông điệp mà tôi nhắc đi nhắc lại, gửi gắm vào các thế hệ sinh viên vẫn là “Lương y như từ mẫu”, “Hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân”.
Thú y là một trong những nghề có nhu cầu lao động cao trong giai đoạn hiện nay. Nhưng để được DN tuyển dụng, sinh viên cũng phải có tay nghề cao. Đặc biệt, các em phải yêu thích động vật, cần cù, chịu khó thì mới gắn bó lâu dài được với nghề.
“Ngay từ lúc bắt đầu môn học của bất kỳ lớp nào, tôi đều lắng nghe những suy nghĩ của các em đối với nghề. Xác định được tính cách, suy nghĩ của các em về nghề, tôi sẽ có những định hướng phù hợp đối với từng em”, chị Hoang chia sẻ.
Giảng viên Nguyễn Thị Hoang
Tâm huyết với việc truyền nghề nên mỗi sinh viên trưởng thành, vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, ngày gặp lại thầy cô vẫn chân thành gọi “thầy ơi”, “cô ơi” là món quà vô giá, tiếp thêm động lực cho mỗi nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
NGUYỄN MUỘI