Biến rác thực phẩm thành nhựa sinh học tự phân huỷ
Một ngày nào đó, những sản phẩm như ghế, thảm, túi nhựa có thể làm từ rác thực phẩm thay vì từ dầu mỏ. Quy trình sản xuất mới lạ này đã được các nhà khoa học của Viện Công nghệ Italy phát triển và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Macromolecules (Đại Phân tử) của Hiệp hội Hoá chất Mỹ (ACS).
Các nhà khoa học Athanassia Athanassiou, Ilker S. Bayer và đồng nghiệp tại Viện Công nghệ Italy khẳng định, nhựa không ngừng trở nên phổ biến trong đời sống con người. Năm 2012, sản lượng nhựa được sản xuất trên toàn thế giới lên tới 288 triệu tấn.
Nhựa tổng hợp mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm mới phân huỷ. Trong thời gian đó, nó thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường và sức khoẻ con người. Ngoài ra, nhựa được làm từ dầu mỏ, một nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Việc chuyển đổi từ nhựa tổng hợp sang nhựa sinh học thân thiện với môi trường gặp nhiều khó khăn thách thức về công nghệ lẫn giá cả. Nhóm nghiên cứu của Athanassiou muốn tìm ra một giải pháp sản xuất nhựa sinh học đơn giản, ít tốn kém.
Họ đã tìm đến một loại axit hữu cơ tồn tại trong tự nhiên có khả năng phân huỷ xenlulo, thành phần chính của cây cỏ đồng thời cũng là một dạng polime có rất nhiều trong tự nhiên. Nhóm nghiên cứu trộn axit này với rễ cây mùi tây và rau chân vịt, rơm rạ và vỏ quả coca để ủ. Sau đó, họ đổ dung dịch thu được trong quá trình ủ vào đĩa thí nghiệm.
Sau một thời gian, trên đĩa thí nghiệm xuất hiện những lớp màng có đặc tính chuyển đổi từ giòn, cứng sang mềm và dai, có thể kéo giãn, tương tự như nhựa tổng hợp. Kết quả thí nghiệm này hứa hẹn mang lại một công nghệ sản xuất nhựa sinh học tự phân huỷ thay thế cho nhựa tổng hợp làm từ dầu mỏ.
Tố Uyên (Theo Science Daily)