Cảnh giác với nạn quấy rối tình dục trên mạng xã hội
Dẫu chưa có những con số thống kê đầy đủ, chính xác, tình trạng quấy rối tình dục trên mạng xã hội vẫn đặt ra yêu cầu phải quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của trẻ.
Tháng 9.2023, em L.Đ.T. (học sinh lớp 8, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) được bố mẹ mua cho điện thoại mới. T. tạo một tài khoản Facebook và thường xuyên đăng ảnh ở chế độ công khai. Tài khoản tên Y.N kết bạn và làm quen với T. Sau một tuần nhắn tin, đối tượng này đề nghị T. gửi những tấm ảnh “mát mẻ” để “mối quan hệ đi xa hơn”. Nhiều lần, đối tượng này trò chuyện, khơi gợi những chủ đề nhạy cảm.
Các đối tượng tiếp cận bằng cách nhắn tin làm quen, sau đó thực hiện hành vi quấy rối (ảnh minh họa). Ảnh: X.Q
Đáng nói, Y.N còn kết bạn với những người bạn của T. và đưa ra yêu cầu tương tự. Đối tượng này còn đặt điều kiện sẽ cho tiền các em mua quần áo nếu gửi thật nhiều ảnh “nhạy cảm”. May mắn, một em trong nhóm bạn của T. báo với cô giáo chủ nhiệm, cô đã kịp thời can thiệp.
“Lúc đó em chỉ nghĩ kết bạn với nhiều người thì vui hơn, không lường trước những trường hợp quấy rối. Sau sự việc trên, em rất sợ khi thấy những tài khoản lạ gửi yêu cầu kết bạn”, T. nói.
Tương tự, em L. (học sinh lớp 10, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) thường hay online Facebook để tham gia vào nhóm chia sẻ kinh nghiệm chơi game. Tại đây, có tài khoản ảo X.H. kết bạn và đề nghị làm quen với L. Sau một tuần nói chuyện, đối tượng này yêu cầu L. gửi ảnh “tươi mát” và hứa sẽ mua bất cứ thứ gì L. thích. Vì quá tin tưởng, L. gửi 2 ảnh cho đối tượng trên; được nước lấn tới, X.H. tiếp tục yêu cầu L. chụp ảnh “hở bạo” hơn nữa.
Trong lúc bối rối, L. đã thú thực với chị họ, được chị cảnh báo nguy hiểm. Đáng nói, đối tượng này còn dọa dẫm nếu L. không tiếp tục gửi ảnh thì sẽ gửi 2 ảnh “tươi mát” trước kia lên trên hội nhóm chơi game. Sau khi được chị họ động viên, L. đã đem chuyện này nói với mẹ. Có sự can thiệp từ người lớn, đối tượng này nhanh chóng khóa tài khoản.
“Tôi rất sợ ảnh hưởng đến tâm lý con, sau khi nhìn nhận mức độ sự việc, tôi đã răn đe đối tượng trên. Sau sự việc, cháu suy sụp một thời gian và e dè hơn trước. Đây chính là bài học để cháu cẩn thận hơn trong các mối quan hệ”, mẹ của L. nói.
Phụ huynh hiện nay thường cho con sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm. Mặt trái của việc này là các em tiếp xúc với không gian mạng nhiều cạm bẫy, trong khi chưa có nhiều vốn sống, kỹ năng xử lý tình huống.
Chị Dương Khả Trang Anh, ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) cho hay, thay vì cấm tuyệt đối, chị hướng dẫn con cách sử dụng mạng xã hội (MXH) an toàn và quản lý gián tiếp thông qua việc kết bạn với con trên các nền tảng khác nhau. Khi phát hiện đối tượng lạ tiếp cận, chị sẽ khuyên bảo con chặn, xóa. “Tôi chỉ cho cháu kết bạn với họ hàng, những bạn bè thân thiết. MXH bây giờ quá phức tạp, trong khi các cháu tò mò với thế giới xung quanh, tôi phải làm bạn và hướng dẫn cháu tránh xa các mối nguy như lừa đảo, đặc biệt là quấy rối tình dục”, chị Anh nói.
Một phụ huynh khác, chị L.N. (ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) lại cấm con sử dụng MXH trước tuổi 18. Bản thân chị đã vài lần bị kẻ lạ quấy rối tình dục, lừa đảo nên rất sợ con gặp trường hợp tương tự. “Tôi rất bất an khi có kẻ lạ quấy rối. Mặc dù biết cấm đoán con chưa hẳn là giải pháp tối ưu, nhưng nhận thấy con mình tính trầm, ít nói, nếu có vấn đề gì xảy ra có lẽ con sẽ không chia sẻ với mình nên tôi thà cấm còn hơn”, chị N. kể.
Để phòng, tránh các nguy cơ bị quấy rối tình dục trên MXH, phụ huynh cần để mắt tới con nhiều hơn. Thay vì cấm đoán, hãy đồng hành và hướng dẫn con sử dụng MXH an toàn, tránh xa người không quen biết, không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng. Đặc biệt, cần nghiêm cấm các em tùy tiện gửi ảnh cho người lạ, dễ gây hệ lụy đáng tiếc.
“Đa phần nạn nhân vì e ngại mà im lặng khi bị quấy rối tình dục qua mạng. Khi có quấy rối xảy ra, các em cần đương đầu, khẳng định hành vi đó không thể chấp nhận được; yêu cầu đối tượng chấm dứt. Nếu đối tượng không dừng lại, các em có thể sử dụng các biện pháp chặn tài khoản, làm đơn tố cáo và cung cấp các bằng chứng (tài khoản, nội dung tin nhắn, bình luận, email…) đến cơ quan CA. Trong trường hợp không thể tự mình giải quyết vấn đề, các em hãy chia sẻ với gia đình, thầy cô, các tổ chức hỗ trợ xã hội, đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111… để tìm kiếm sự trợ giúp”.
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THÙY TRANG, giảng viên Tâm lý học, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn
XUÂN QUỲNH