Cần kiên quyết xử lý tình trạng đổ bột đá bừa bãi
Gần đây, lợi dụng trời mưa, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến đá granite thuê xe chở bột đá đổ bừa bãi ra bờ sông Hà Thanh (đoạn xã Phước Thành, Phước An, huyện Tuy Phước), gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Vô tư đổ đá, bột đá xuống sông
Theo người dân ở thôn Bình An 1 (xã Phước Thành), trong quá trình hoạt động, nhiều nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp Phú Tài đã lén lút xả bột đá hoặc thuê người chở bột đá đổ ra khu vực đất trống ven sông Hà Thanh, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.
“Từ 2 tháng nay, nhiều xe chở bột đá chạy qua lại, gây rơi vãi, phát sinh bụi bặm. Mỗi lần xe chạy qua, bụi bay tứ tung, bám hết vào nhà cửa. Đáng lo nhất, bãi bột đá hiện nằm sát bờ sông, gặp mưa lớn trôi hết ra sông làm nắn dòng chảy, gây sạt lở, ô nhiễm. Bà con kiến nghị chính quyền địa phương cần ngăn chặn, xử lý vấn nạn này, song vẫn chưa có kết quả”, ông H. (ở thôn Bình An 1) bức xúc nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại phía Nam bờ sông Hà Thanh (đoạn qua thôn Bình An 1, xã Phước Thành) đang có bãi bột đá. Hoạt động đổ trộm chủ yếu diễn ra vào đêm khuya hoặc buổi trưa, ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều xe ben từ nơi khác đến đổ bột đá xuống bãi sát bờ sông rồi vội bỏ chạy.
Còn tại đoạn phía Bắc sông Hà Thanh (địa bàn thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An), có nhiều cơ sở sản xuất đá xuất khẩu ngang nhiên đổ đá vụn và bột đá xuống sông. Lượng bột đá, đá vụn tại đây lên tới hàng trăm mét khối.
Bột đá đổ sát bờ sông Hà Thanh, đoạn tại thôn Bình An 1, xã Phước Thành. Ảnh: V.L
Địa phương “than khó”
Ông Lê Thành Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết xã đã thành lập tổ công tác, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh mật phục, tuần tra và đã phát hiện một số trường hợp đổ trộm chất thải rắn là bột đá ra môi trường. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý vấn nạn này chưa triệt để.
Theo ông Việt, hầu hết các DN hoạt động ở trong và ngoài Khu công nghiệp Phú Tài thường móc nối, thuê các chủ phương tiện cá nhân lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối chở chất thải bột đá lén lút đổ. Khi bị phát hiện, chủ phương tiện là người phải chịu trách nhiệm; không thể xử lý tận gốc. Mặt khác, địa bàn thôn Bình An 1 cách xa trung tâm xã, cách trở bởi con sông; khi nhận được tin báo đến khi tiếp cận hiện trường mất nhiều thời gian, các phương tiện đã “cao chạy xa bay”, không bắt được quả tang, khó xử lý.
Còn ông Huỳnh Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước An, cho hay hiện xã chỉ có 1 công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường. Lĩnh vực TN&MT hết sức nhạy cảm, phức tạp; trong khi đó công chức này vừa phải trực tại bộ phận Một cửa, vừa phải xử lý công việc chuyên môn ở cơ quan và thực địa. Điều này gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là xã Phước An có địa bàn rộng, phức tạp.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, cho biết: Theo quy định, lượng bột đá, đá dăm thải ra phải tập kết về bãi chôn lấp, xử lý tập trung tại Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) để xử lý theo đúng quy trình. Thế nhưng, không ít DN “tiết kiệm” chi phí nên không chấp hành. Các đơn vị này hầu hết hoạt động tại TP Quy Nhơn, thường thuê người chở chất thải bột đá đổ bừa bãi tại các khu đất trống trên địa bàn huyện Tuy Phước, rất khó xử lý.
“UBND huyện Tuy Phước và các xã cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đã xử lý một số trường hợp vi phạm, nhưng vẫn không giảm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo tình hình trên cho Sở TN&MT để Sở báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo 2 địa phương có khu vực giáp ranh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời”, bà Phượng cho hay.
VĂN LƯU