BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Từ thẳm sâu sông Côn quê tôi
Tất cả những nền văn minh của nhân loại đều được hình thành và phát triển bên các dòng sông. Khi chảy trên quê hương tôi, sông Côn không chỉ đóng vai trò là dòng chảy thủy văn, mà còn gắn bó với nền văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư, thời đại khác nhau…
Nền văn minh Ai Cập cổ đại, văn minh Lưỡng Hà sinh ra bên sông Nin, nền văn minh Ấn Độ uống nước sông Hằng, sông Hoàng Hà nuôi dưỡng nền văn minh Hoa Hạ, khi chảy qua Việt Nam trước khi ra đến biển khơi kịp sản sinh ra nền văn minh Sông Hồng... Ở cấp độ thấp hơn có thể kể đến sông Cả, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai và sông Côn quê tôi Bình Định.
Dòng nước mát đắp bồi mạch nguồn văn hóa
Bắt nguồn từ núi cao, chảy qua ba huyện nên sông Côn còn có tên là sông Tam Huyện, điều này có ghi trong Đại Nam nhất thống chí. Sách vở hàn lâm thì thế, còn dân gian gọi con sông này với nhiều tên khác nhau. Phía đầu, trên núi cao gọi là Tu Krông tức là sông Krông. Khi bắt đầu đổ vào đồng bằng gọi là Đắk Krông Bung. Người Bana giải thích tức là bung ra, to như cái bung, điều này đúng với hình thế của dòng sông. Tùy vào thời điểm lịch sử, con sông này còn có một vài tên gọi khác như sông Tuy Viễn, sông Hà Giao... nhưng phổ biến nhất là cái tên sông Côn.
Sông Côn đoạn chảy qua phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Khởi nguồn từ cao nguyên đại ngàn, ở nơi bắt đầu sông Côn sớm gắn bó với những cư dân tiền sử. Những cư dân quần tụ ở hai bên bờ sông rồi dựng nên văn hóa Bàu Cạn, Biển Hồ. Với những kết quả nghiên cứu gần đây, một số nhà nghiên cứu gọi nền văn hóa Biển Hồ là nền văn hóa của nhà nước sơ khai trong cách mạng đá mới; và có thể đây là nơi mà những cư dân đầu tiên của các tộc người Tây Nguyên huyền thoại hôm nay đứng thẳng lưng giữa đại ngàn hùng vĩ.
Nền văn hóa Bàu Cạn phát hiện ở khu vực Pleiku thuộc thời kỳ đá mới. Đó là thời kỳ biển tiến, biển thoái và phổ biến nhất thời kỳ Holocen trong kỷ địa chất cách nay hàng triệu năm. Vĩnh Thạnh ngày nay có thể gọi là bậc II, tuy gọi là thềm sông nhưng thực chất là thềm biển. Trong các hơ mon (sử thi) của mình, người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh vẫn hay có chi tiết liên quan đến biển, ký ức dân gian về cuộc chiến tranh kỳ vĩ gắn với biển cả... Từ Bàu Cạn ở TX An Khê (tỉnh Gia Lai) trên đường tìm ra với biển khơi hàng vạn năm trước, sông Côn còn giúp những cư dân gắn bó với mình hình thành nên hệ thống Sa Huỳnh. Trong hành trình tiến xuống đồng bằng ven biển, những cư dân Bàu Cạn - Sa Huỳnh cùng với nhiều cư dân khác từ núi cao xuống hình thành nên những nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo.
Trống đồng Heger và văn hóa Champa
Trên một vùng rộng lớn đôi bờ sông Côn từ Vĩnh Thạnh cho đến sát chân núi Bà (huyện Phù Cát), các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều trống đồng Heger loại I, đặc biệt ở gần bờ sông Côn đoạn Gò Cây Thị, thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh còn tìm thấy rất nhiều mảnh gốm cổ, dấu vết cư trú.
Từng có quan điểm cho rằng, trống đồng tìm thấy ở đây là sản phẩm có được nhờ trao đổi, mua bán với chủ nhân của văn minh Đông Sơn. Nhưng cũng có một số nhà nghiên cứu, điển hình là GS Diệp Đình Hoa, cho rằng, những chiếc trống đồng tìm thấy ở Bình Định là sản phẩm bản địa, không phải là sản phẩm có được nhờ trao đổi thương mại.
Theo GS Diệp Đình Hoa, vào thời đại kim khí, vùng ven sông Côn - điển hình là khu vực Vĩnh Thạnh - có thể là một trong những trung tâm khai khoáng, luyện kim mà tác phẩm đặc trưng là những chiếc trống đồng như đã nói trên… Chủ nhân trung tâm luyện kim, khai khoáng này không ai khác, chính là những tổ tiên xa xưa của người Bana hiện nay. Trống đồng tìm thấy ở Bình Định được đúc với kỹ thuật luyện kim kém điêu luyện, ít tinh tế hơn, chất lượng hợp kim đồng cũng chưa xuất sắc. Sự thua sút về mặt kỹ thuật này hé ra cho ta thấy, khó có thể nói đây là tác phẩm do bàn tay vàng của những người thợ thuộc văn hóa Đông Sơn tạo tác. Nhưng như thế không có nghĩa là những người thợ bản địa kém cỏi, thậm chí họ cũng có những sáng tạo riêng mà ở một dịp khác ta sẽ trở lại.
Nhiều làng mạc trù phú, đông vui đã hình thành trên những bãi bồi màu mỡ ven sông Côn.
- Trong ảnh: Sông Côn đoạn chảy qua xã Tây Giang huyện Tây Sơn. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Xuôi theo dòng sông Côn chảy trên đồng bằng màu mỡ, ta dễ dàng nhớ ra từng có một nền văn hóa rực rỡ bắt rễ vào đây - văn hóa Champa. Dù dâu bể trăm năm đã làm thay đổi mọi thứ thì nền văn hóa này nay vẫn còn lưu dấu với những di tích nổi tiếng như: Thành Cha, thành Vijaya, thành Thi Nại và các tháp Chăm tuyệt đẹp (Bình Lâm, Cánh Tiên, Phú Lốc, Bánh Ít, Thủ Thiện, Dương Long...), những lò gốm cổ Gò Sành, Trường Cửu, Cây Me… Nơi cuối nguồn sông, trước khi hòa vào biển cả, sông Côn còn ôm ấp, chở che những cảng thị sầm uất, nơi trao đổi buôn bán giữa vương quốc Champa với nhiều quốc gia trong khu vực. Cũng chính từ những cảng thị này, người Chăm đã vươn ra đại dương để trao đổi, tiếp nhận văn hóa với bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ.
Một nền văn hóa kỳ vĩ từng soi bóng xuống dòng sông Côn suốt 5 thế kỷ như thế đó.
Sông Côn trong dòng chảy Đại Việt
Đã qua hơn 400 năm, kể từ khi trở thành vùng phên dậu của Đại Việt, đôi bờ sông Côn vẫn chảy như ngày nào, dọc theo triền sông đã hình thành nhiều làng mạc trù phú do những lưu dân từ phía Bắc vào theo chỉ dụ của vua Lê, theo chúa Nguyễn vào Nam. Họ cùng những cư dân bản địa khai khẩn, sinh sống, lập nên làng xóm ngày càng đông đúc, trù mật. Những cư dân mới không chỉ cộng cư với cư dân bản địa, mà còn mang đến chất liệu văn hóa từ đồng bằng Bắc bộ. Nhiều loại chất liệu hòa quyện khiến văn hóa vùng đất Bình Định càng thêm phong phú và đa dạng. Không chỉ đời sống, sinh hoạt, mua bán, dựng xây… đến cả những làn điệu dân ca cũng có sự biến cải mới mẻ… Bên dòng sông quê tôi, tự trăm năm trước những cư dân ở đây đã sớm biết cách thích ứng sâu sắc như vậy.
Do phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt trong buổi đầu định cư, lập nghiệp, sông Côn quê tôi cũng vì thế can trường, không chịu khuất phục trước mọi bất công, ngang trái, từng đã cuộn sóng đứng lên cùng tầng lớp cần lao dưới ngọn cờ đại nghĩa, đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn sau 200 năm chia cắt, thống nhất giang sơn lập nên triều đại Tây Sơn đầy khí phách. Bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, từ các giai đoạn phát triển đỉnh cao, đến các giai đoạn suy tàn đều có sự chứng kiến của dòng chảy văn hóa này.
Sang thế kỷ XIX, dòng sông Côn lần nữa lại cuộn sóng, trở thành căn cứ của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp dưới ngọn cờ của nguyên soái họ Mai. Bên dòng sông lịch sử đã diễn ra buổi tế cờ long trời chuyển đất của tiếng hô vang quyết sống mái với giặc Pháp, bảo vệ dân lành; dòng sông cũng là nơi nuôi dưỡng, chở che cho nghĩa quân, và chứng kiến giờ phút đau thương khi phong trào bị giặc Pháp đàn áp dìm trong biển máu.
Theo dòng lịch sử thời gian, sông vẫn cứ chảy mãi và một ngày kia bến sông Thượng Giang chứng kiến giây phút bồi hồi của tình phụ tử giữa cha con người thanh niên đầy nhiệt huyết, giàu trách nhiệm với dân tộc - Nguyễn Tất Thành. Rất có thể dòng sông này đã được chứng kiến phút giây người thanh niên ấy chia sẻ với cha chí lớn của mình, để rồi anh đã thành một huyền thoại, đi vào lịch sử, văn hóa Việt Nam, văn minh nhân loại trong tư cách một anh hùng giải phóng dân tộc.
Trong kháng chiến từ chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đôi bờ sông Côn quê tôi một lần nữa dang rộng cánh tay che chở, đùm bọc những đoàn quân, những cơ sở kháng chiến cho đến ngày toàn thắng 1975.
***
Sông Côn tải phù sa tạo nên đồng bằng, mang vị ngọt tan vào biển cả; sông và biển hòa quyện với nhau tạo nên đất nước và ảnh hưởng vào văn hóa con người quê tôi. Từ thời kỳ đồ đá đến những nền văn hóa, văn minh rực rỡ, trải dài đến thời kỳ hiện đại, mấy nghìn năm nay sông Côn lặng thầm nâng đỡ con người, những người giỏi thích nghi với khí hậu, thời tiết và cả sự biến đổi của hoàn cảnh. Những con người như sông, biết đứng thẳng lưng, xoãi chân tựa vào đất mẹ, luôn ở thế vươn ra đại dương, biết kiên cường quyết liệt nhưng cũng bao dung, nhân hậu. Những nét đẹp ấy sâu xa chẳng phải bắt rễ từ thẳm sâu sông Côn!
ĐINH BÁ HÒA