Thi công gia cố đê sông Gò Chàm lại lấn chiếm lòng sông
Quá trình xây dựng công trình Gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Ða) tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), đơn vị thi công đã lấn chiếm lòng sông Gò Chàm khiến người dân và chính quyền xã Nhơn An (TX An Nhơn) ở bờ đối diện bức xúc, lo lắng trước nguy cơ tác động xấu đến đê sông vốn đã yếu ớt.
Công trình gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa) có tổng mức đầu tư là 6,8 tỷ đồng gồm 4 đoạn với tổng chiều dài 722,7 m; trong đó có 706 m đê xây dựng mới và 16,7 m đê gia cố lại.
Vi phạm nối tiếp
Cuối tháng 2.2023, để đẩy nhanh tiến độ thi công Đoạn 4 của công trình gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa) tại thôn Tân Hội (xã Phước Hưng), đơn vị thi công đã tự ý đổ đất lấn chiếm lòng dẫn sông Gò Chàm để làm đường thi công. Phát hiện vụ việc trên, UBND TX An Nhơn có văn bản gửi Sở NN&PTNT đề nghị kiểm tra, giải quyết.
Kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT tại hiện trường cho thấy, đất đổ lấn về dòng chảy 3 - 4 m. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo đơn vị thi công tạm dừng thi công, tổ chức hốt dọn đất đã đổ xuống sông, trả lại hiện trạng ban đầu. Các đơn vị liên quan điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp, không ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông Gò Chàm trước khi thi công.
Sự việc tạm lắng đến ngày 24.10, UBND TX An Nhơn tiếp tục nhận được phản ánh của các hộ dân thôn Tân Dân và UBND xã Nhơn An về việc UBND huyện Tuy Phước tiếp tục thi công Đoạn 3 của công trình trên lấn lòng sông Gò Chàm. “UBND huyện Tuy Phước thi công đoạn kè đoạn thôn An Cửu, xã Phước Hưng không tổ chức hốt dọn đất đã đổ xuống sông để trả lại hiện trạng ban đầu mà tiếp tục triển khai thi công mặt kè và mái taluy lấn dòng sông, làm thay đổi hiện trạng dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ kè bằng đất thôn Tân Dân vốn đang bị sạt lở và thân kè kết cấu yếu”, văn bản của UBND TX An Nhơn nêu rõ.
Theo lãnh đạo TX An Nhơn, trong nhiều năm qua, việc đầu tư kiên cố kè chống sạt lở trên địa bàn xã Nhơn An (nhất là thôn Tân Dân) chưa hoàn chỉnh, còn nhiều đoạn bằng đất, chưa được kiên cố, kết cấu thân kè yếu nên thường xuyên bị sạt lở và xâm thực. Trong khi đó, phía đối diện là xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) đã được xây dựng hầu hết tuyến kè bảo vệ nên dòng nước chuyển ngược lại phía thôn Tân Dân làm gia tăng nguy cơ sạt lở, xâm thực.
Công trình gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa) tại xã Phước Hưng xảy ra vi phạm lấn chiếm lòng sông. Ảnh: H.P
Sai sót từ đơn vị thi công?
Lý giải về việc để xảy ra các vi phạm trên, ông Nguyễn Đình Hồng Thoại, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước (đơn vị chủ đầu tư) thừa nhận: “Đối với Đoạn 4, mặt bằng thi công chật hẹp do chưa giải phóng mặt bằng hết và sát nhà dân nên đơn vị thi công có đổ đất xuống lòng sông để làm đường công vụ phục vụ thi công, sau đó đã tổ chức hốt dọn lại. Còn Đoạn 3, Ban đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT sau sự cố ở Đoạn 4, nhưng quá trình thi công, cán bộ kỹ thuật đã cắm mốc sai dẫn đến việc lấn ra lòng sông hơn 1 m”.
Về giải pháp khắc phục, ông Thoại thông tin thêm: Đơn vị đã cùng UBND xã Phước Hưng và UBND xã Nhơn An làm việc và thống nhất sẽ lùi mặt đê vào trong 1 m so với thiết kế ban đầu là hơn 2 m. Đồng thời, đơn vị sẽ hoàn chỉnh lại hồ sơ thiết kế để tham mưu UBND huyện trình xin ý kiến Sở NN&PTNT.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương cho biết: Củng cố, kiên cố hóa hệ thống đê, kè sông Gò Chàm là việc làm tích cực của huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không theo hiện trạng của sông. Việc xây dựng công trình lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến việc thoát lũ trên sông Gò Chàm và các sông khác trong lưu vực sông Côn. Trong khi đó, khó khăn đặt ra là theo phân cấp, công trình này do UBND huyện Tuy Phước tổ chức thẩm định và phê duyệt.
Theo ông Chương, qua làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, huyện Tuy Phước đã nhận sai trong sự việc này. Sở NN&PTNT đang làm báo cáo chi tiết vụ việc này để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Trong đó, sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước tạm dừng thi công công trình; gửi hồ sơ thiết kế sau khi điều chỉnh đến Sở NN&PTNT để có ý kiến thống nhất trước khi chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án điều chỉnh.
“Trong thời gian mưa lũ, huyện Tuy Phước phải có phương án bảo vệ nhà dân trong vùng dự án do nước lũ dâng cao gây xói lở. UBND TX An Nhơn chỉ đạo UBND xã Nhơn An tổ chức phát dọn các bụi tre bị ngã, đổ vào lòng sông tạo thông thoáng dòng chảy lũ”, ông Chương thông tin thêm.
Các đây 4 năm (2019), trên tuyến đê sông Gò Chàm cũng từng xảy ra sự việc tương tự. Cụ thể, UBND xã Phước Hưng tổ chức thi công công trình Ðê sông Gò Chàm - hạng mục sửa chữa cống xả lũ và tường hộ lan khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật Đê điều. Đồng thời, UBND xã đã tổ chức thi công xây dựng tường hộ lan dọc theo đê sông nhưng có đoạn mở rộng về phía sông Gò Chàm 0,5 - 1 m, gây cản trở dòng chảy và thoát lũ, vi phạm quy định tại Khoản 10, Điều 7 Luật Đê điều.
HỒNG PHÚC