Cản trở khai thác mỏ khoáng sản được cấp phép: Hành vi vi phạm pháp luật
Mặc dù đã được UBND tỉnh cho thuê đất và cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng một số DN có mỏ cát được cấp phép trên địa bàn huyện Hoài Ân không thể khai thác do nhiều người dân địa phương cố tình cản trở. Ðây là việc làm vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, gây mất ANTT, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của DN.
Tháng 12.2022, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp T.T (trụ sở ở huyện Tây Sơn) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác (GPKT) cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực sông Kim Sơn (đoạn thuộc xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) với diện tích hơn 2,8 ha. Thế nhưng, đến nay đã gần 1 năm, DN này không thể thực hiện hoạt động khai thác cát theo quy định do nhiều người dân ở xóm 3, thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây kiên quyết cản trở.
Khu vực sông Kim Sơn, nơi UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát cho DN. Ảnh: M.N
Tương tự, tháng 11.2022, UBND tỉnh cấp GPKT cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực sông Kim Sơn (đoạn thuộc xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng tổng hợp H.P (trụ sở ở huyện Hoài Ân) với diện tích 2 ha. Đến nay, DN này cũng bị nhiều người dân ở thôn Liên Hội, xã Ân Hữu, quyết liệt ngăn cản nên không thể khai thác cát.
Theo đại diện 2 DN, việc cản trở của một số người dân kéo dài đến nay đã gây rất nhiều thiệt hại về kinh tế cho đơn vị, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ nhiều công trình, dự án. Bởi thời gian qua, cát làm vật liệu san lấp, xây dựng khá khan hiếm trên địa bàn tỉnh, trong khi mỏ cát đã được cấp phép lại không thể thực hiện khai thác theo quy định. Chưa hết, việc cản trở này tạo tiền lệ không tốt trong chấp hành pháp luật của người dân về hoạt động khai thác khoáng sản.
Qua tìm hiểu được biết, người dân thôn Liên Hội và Phú Hữu 1 kiên quyết cản trở hoạt động khai thác cát bởi cho rằng sẽ gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đời sống dân sinh. Do đó, nhiều người dân kiến nghị các cấp, các ngành xem xét lại việc cấp GPKT cát tại khu vực sông Kim Sơn (đoạn qua xã Ân Tường Tây và Ân Hữu).
Tuy nhiên, theo xác nhận của UBND xã Ân Tường Tây và Ân Hữu, đa số người dân tham gia cản trở hoạt động khai thác cát có nhà ở cách xa khu vực mỏ được cấp phép và bờ sông. Như tại xã Ân Tường Tây, trong số 22 người thực hiện hành vi cản trở, có tới 16 người nhà ở cách xa bờ sông.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Ân Tường Tây và Ân Hữu cho hay, chính quyền địa phương đã công khai các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc cấp GPKT cát tại khu vực sông Kim Sơn để người dân biết. Ngoài ra, xã nhiều lần mời những người có hành vi cản trở để tuyên truyền, vận động, giải thích, đề nghị không ngăn cản DN khai thác cát nhưng họ kiên quyết không đồng ý.
Theo UBND huyện Hoài Ân, các DN được UBND tỉnh cấp GPKT cát đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Trước khi khai thác, DN lập hồ sơ thăm dò, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định và được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, người dân cho rằng hoạt động khai thác cát gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đời sống dân sinh trong khu vực là không có cơ sở. Việc một số người dân cản trở hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương, vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho biết: Tới đây, Phòng TN&MT tiếp tục tham mưu UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo chính quyền các địa phương, lực lượng CA các xã và CA huyện Hoài Ân có biện pháp xử lý kiên quyết hành vi cản trở khai thác cát, gây mất ANTT. Đồng thời, điều tra, làm rõ, xử lý cá nhân xúi giục người dân tập trung đông người, cản trở trái pháp luật hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, sớm đưa các mỏ cát đã được cấp phép vào hoạt động, phục vụ các công trình, dự án đang triển khai xây dựng tại địa phương; tránh gây lãng phí tài nguyên khoáng sản.
M. NHÂN