Nhiều người không mặc áo phao khi đi đò
Tại 2 bến đò Cồn Chim và Vinh Quang 2 (thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) hằng ngày có hàng trăm lượt người qua lại, trong đó phần lớn là học sinh. Điều đáng quan ngại là hầu hết hành khách đi lại trên đò không quan tâm đến việc mặc áo phao để đề phòng tai nạn.
Khoảng cách từ xóm Cồn Chim đến thôn Vinh Quang 2 khoảng 600 m. Đây là tuyến đường thủy nội địa duy nhất người dân xóm Cồn Chim đi lại hằng ngày để vào bờ học tập, buôn bán, làm việc. Thời gian từ xóm Cồn Chim vào đến thôn Vinh Quang 2 mất chừng 5 - 10 phút nếu thời tiết tốt. Còn khi thời tiết xấu, có gió mạnh, thủy triều dâng cao, thời gian di chuyển dài hơn.
Mặc dù, phải di chuyển cắt ngang qua đầm Thị Nại mênh mông biển nước, nguy cơ tai nạn rình rập, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng hầu như trên chuyến đò ngang hoạt động ở đây hiếm thấy hành khách mặc áo phao.
Hầu hết hành khách qua lại trên tuyến đò ngang Cồn Chim - Vinh Quang 2 không mặc áo phao, trong đó có nhiều trẻ em (ảnh chụp chiều 20.11). Ảnh: N.Q
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn Nguyễn Minh Thiện, để đảm bảo vận chuyển hành khách đi lại trên tuyến đò ngang Cồn Chim - Vĩnh Quang 2 an toàn, thời gian qua, UBND huyện Tuy Phước đã hỗ trợ 750 triệu đồng để đóng mới 2 phương tiện đò ngang, đảm bảo các điều kiện về vận chuyển hành khách nội địa. Cùng với đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã trang bị đầy đủ áo phao trên các phương tiện, cấp phát áo phao miễn phí cho người dân, học sinh thường xuyên lưu thông trên tuyến đường thủy này.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng người dân chủ quan khi không quan tâm đến việc mặc áo phao khi đi đò.
“Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND xã sẽ thường xuyên nhắc nhở các chủ đò yêu cầu hành khách mặc áo phao ngay khi bước xuống đò. Cùng với đó, xã cũng đề nghị lực lượng CA xã, CSGT đường thủy thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm các chủ đò không chấp hành các quy định của pháp luật khi vận chuyển hành khách”, ông Thiện cho hay.
N. QUÝ