BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Những ngày cuối cùng của một làng nghề
Thôn Chánh Khoan Ðông, xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) từng một thời huy hoàng với nghề thủ công se dây dừa. Cái nghề có hàng trăm năm tuổi và làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2012 nay đã vào đà của những ngày cuối cùng.
Tôi là người Phù Mỹ, biết làng nghề này tự ấu thơ, khi nghe tin làng chỉ còn mươi mười lăm hộ theo nghề, bèn về thăm, tìm cách ghi nhận những hình ảnh mến thương của làng, của nghề trước khi nó biến mất.
Khi tất cả người làm nghề đều ở tuổi quá 60
Ngày trước trăm thứ cần buộc, cần neo chặt, cần quây lại… hết thảy đều dùng dây, và không thứ dây gì hợp lý hơn dây dừa. Rẻ, bền, chắc, sẵn, dễ dùng, dễ tìm, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu chứ không tốn kém, lại ít như dây nhựa, dây kim loại… Chánh Khoan Đông huy hoàng là nhờ thế.
Nghề này cần sức bền, sự nhẫn nại nên gần như chỉ phụ nữ mới theo nghề. Cũng do đó mà theo thời gian bàn tay phụ nữ Chánh Khoan Đông biến dạng, thô dày, chai sần… Càng ngày càng ít người theo nghề này cũng vì thế. Hơn nữa giờ đây, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều loại dây, vật liệu mới thế chỗ cho dây dừa nên không còn chỗ cho nghề tồn tại.
Cả làng nghề se dây dừa Chánh Khoan Đông giờ chỉ còn chừng mươi, mười lăm hộ theo nghề và tất cả người làm nghề đều quá tuổi 60! Ảnh: G.B
Khi tôi đến Chánh Khoan Đông, suốt từ đầu thôn đến cuối thôn chỉ có chừng hơn mười người đang se dây và tất cả đều đã ở cái tuổi quá 60! Không còn cảnh nhà nhà, xóm xóm đập bẹ, ngâm xơ, se dây như thuở trước. Số ít ỏi còn giữ nghề se dây dừa rủ nhau tập trung ở góc vườn để cùng làm cho vui. Dưới tán cây u ma già trĩu quả đang chuyển sắc vàng, một nhóm người cần mẫn se dây. Họ thong thả vừa làm vừa trò chuyện, hát hò, nói cười rổn rảng... xua tan tĩnh lặng nơi góc vườn.
Hay là tôi đã nhầm khi nghĩ tới “những ngày cuối cùng của làng se dây dừa Chánh Khoan Đông”. Thấy cũng còn vui quá mà? Không, tôi không nhầm! Đó vẫn là những ngày cuối cùng của làng nghề thôi; nhưng vì sao người ta vẫn có thể nói cười rộn ràng? Đó là câu chuyện tôi sẽ kể tiếp bên dưới.
Chầm chậm lăn những vòng cuối cùng
Những người thợ se dây dừa tần ngần kể, ngày trước xơ mua về mình mang phơi cho khô đều dưới nắng rồi ngâm nước cho mềm, sau đó vớt ra để ráo bớt nước và bắt đầu đập xơ để tước sợi/chỉ dừa. Ngày xưa làng tất bật có việc để làm quanh năm. Ngày mưa thì nhà nào cũng làm một cái giàn lớn trên bếp để sấy xơ đặng có việc để làm.
Bước vào tuổi 80 nhưng đôi tay đầy vết chai sần cồi dày lên của cụ Võ Thị Tâm vẫn rắn rỏi lắm. Bắt gặp ánh mắt có vẻ thương cảm của tôi, cụ trải lòng: Nhìn bàn tay biết ngay dân Chánh Khoan Đông. Nghề này cực lắm nhưng khi quen rồi lại mến xứ này, lại yêu cái nghề này vì ở đây lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ, cả nhà làm việc với nhau, xóm giềng làm việc gì cũng có đoàn có toán nên người dưng cũng thương nhau như người trong nhà, trong họ… Mấy người tui đây ngày nào cũng gặp nhưng vẫn mong nhau lắm. Nó kỳ vậy đó… Để tôi hát một khúc hát cũ cho cô nghe, đây là đối đáp của các chàng trai, cô gái làng se dây dừa ngày xưa nghe cô:
Chàng rằng: “Ngó lên cái mặt thì lanh/ Ngó xuống cái mủng một phanh dây dừa” (phanh = khoanh, mủng = thúng)
Nàng đáp: “Anh ơi chớ phụ xơ dừa/ Xơ dừa đỡ đói ngày xưa đến rày”
Giọng hát hò chân mộc, lắng đọng giữa ban trưa khiến cả không gian như chùng xuống. Những người bạn thợ cũng dừng tay, mắt mơ màng xa vắng như đang hình dung về thời huy hoàng quá vãng. Có lẽ nghề se dây dừa như chiếc xe đang vào bến chót, không vội lăn nhanh mà chầm chậm những vòng bánh xe cuối cùng là bởi còn muốn đem lại niềm vui đơn sơ cho những người thợ tuổi cao sức yếu.
Sẽ khép lại một vùng văn hóa
Vừa đứng se dây bà Nguyễn Thị Hường, 72 tuổi, ở đội 13 Chánh Khoan Đông vừa cho biết: Cũng phải thôi, nghề này gần tắt rồi cô! Quanh đi quẩn lại mấy năm nay cũng chỉ còn có 4 nhà chúng tôi, ai rảnh giờ nào thì tới se giờ đó. Gần với nhau nên tập trung ở nhà tôi cùng làm cho vui. Làm cả ngày cũng chỉ được chừng 30.000 đồng. Rất thấp. Nhưng cái nghề này nó ăn vào máu mất rồi, làm cho đỡ buồn tay buồn chân khi ở không...
Theo bà Nguyễn Thị Hường, 72 tuổi, nghề se dây dừa gần mất rồi! Ảnh: G.B
Giờ đây, người ta mua dây dừa về để làm vật liệu decor, để trang trí gợi nhớ một thời quá vãng là nhiều, không mấy ai mua về vì cần một sợi dây nữa. Câu chuyện vì thế nhuốm buồn. Nhưng điều khá lạ lùng là giọng bà Hường vẫn ấm áp, nụ cười vẫn hiền hậu. Thật ra cũng không khó giải thích lắm. Với những người đã dành gần hết một đời người cho một việc vất vả như se xơ dừa; đủ yêu để gắn bó mãnh liệt, đủ bền bỉ để đi cùng năm tháng với nghề thì hồn hậu cười kể ra cũng dễ hiểu.
Tôi tin như thế khi nghe bà Huỳnh Thị Hảo, 67 tuổi, nhẹ giọng kể: Bình thường và còn ở ngay quê mình, không làm cũng nhớ đấy. Nhớ thôi chứ nói là thèm thì chính tôi cũng không tin. Nhưng lần đó tôi lên Đắk Lắk chơi với con, mấy ngày thôi nhưng trong mắt chỉ thấy hình ảnh những đống xơ dừa chất trong vườn, chiếc lu nước để ngâm xơ, bệ đá; tai cứ nghe văng vẳng tiếng đập xơ bộp bộp, tiếng nói cười rộn rã của mấy bà bạn se dây, còn tay thì lâu lâu cứ vô thức làm động tác se, tiếp xơ… Đó là lần nghỉ se dây dừa lâu nhất trong đời tôi. Khóc vì nhớ nghề là có thật. Đến chừng con nó… thả cho về quê, mình cứ như là chạy về nhà chỉ để được se dây dừa đó cô.
“Cả thôn Chánh Khoan Đông có 276 hộ thì chỉ chừng mươi, mười lăm hộ còn theo nghề se dây dừa, đây là những người cuối cùng ở còn làm nghề này, bởi ngay cả tại những hộ này, con cháu của họ cũng không ai theo nghề!”, ông Huỳnh Kim Thành, trưởng thôn Chánh Khoan Đông xác nhận.
Trao đổi với tôi về nghề se dây dừa ở Chánh Khoan Đông, ông Nguyễn Ngọc Lên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi cho biết, dây dừa Chánh Khoan Đông làm ra sợi nào người ta tới tận nhà mua sợi đó nhưng giá thấp quá, không bõ công nên không ai muốn làm. Thêm nữa, ngày nay không ai tự hái dừa xuống, tróc vỏ bán như trước cho được giá, lợi công mà thường là bán nguyên cây cho người hái thuê. Vậy là mất nguồn xơ vì những đại lý dừa trái thường xay xơ dừa thành mùn để bán cho những cơ sở sản xuất giá thể trồng cây, làm phân bón. Tất cả những điều đó như một lẽ tự nhiên của xã hội, khiến nghề se dây dừa ở Chánh Khoan Đông dần khép lại.
***
Khép lại là một cách nói giảm đi, tránh làm tổn thương những người còn tha thiết với nghề, với quê kiểng. Nhưng khép lại như thế cũng có nghĩa là khép lại một vùng văn hóa, tuy nhỏ thôi nhưng cũng là của thừa tự từ tổ tiên. Bởi cùng với nghề là cả một vùng mênh mông văn hóa dân gian, là hát hò, đối đáp, ca dao, tục ngữ… nên nếu mất nghề se dây dừa, ta sẽ mất một không gian văn hóa gắn bó máu thịt với nghề này. Mà có lẽ sẽ mất thật, bởi khi những người đàn bà đã sáu bảy mươi tuổi kia về với mây trắng, còn ai theo nghề nữa đâu.
GIA BẢO