Phụ nữ nông thôn bán hàng online
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, internet, nhiều phụ nữ nông thôn sử dụng mạng xã hội như một công cụ trợ giúp để bán hàng, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trà (28 tuổi, ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) là chủ cửa hàng chuyên bán các vật dụng, sữa, đồ ăn dặm cho mẹ và bé. Sau một năm mở cửa, cửa hàng của chị Trà hoạt động ngày càng tốt hơn. Không chỉ bán trực tiếp cho khách địa phương, chị Trà còn mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng qua các kênh online như Facebook, Zalo và gần đây là TikTok. Ngoài việc đăng giới thiệu các mặt hàng để khách tham khảo, chị Trà còn livestream để tăng tương tác, tung các deal (gói sản phẩm thỏa thuận) khuyến mãi của các nhãn hàng.
Với chiếc điện thoại thông minh, chị Trà (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) có thể livestream thu hút khách hàng. Ảnh: T.Y
Để thu hút khách hàng, trên các trang cá nhân, chị Trà chia sẻ những câu chuyện vui về cuộc sống, đặc biệt là giới thiệu những deal “hời” trong ngày, trong tuần, trong các đợt khuyến mãi của các nhãn hàng. Theo chị Trà, khách rất thích những deal khuyến mãi, lượt tương tác rất nhiều.
“Livestream trên TikTok đang được rất nhiều người chú ý. Ban đầu cũng có một số khó khăn nhất định, như giọng miền Trung hơi khó nghe với nhiều bạn ở các tỉnh khác; tôi cũng chưa quen với việc nói chuyện trên màn hình nên hơi đơ cứng. Những lần đầu livestream, lượt xem và lượt tương tác khá ít; sau đó tăng dần khi tôi tự cải thiện được một số vấn đề của bản thân”, chị Trà cho hay.
Còn đối với chị em ở các huyện miền núi, internet đã giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận khách hàng. Tập tành bán hàng online đã nhiều năm, chị Hồ Như Thủy (33 tuổi, ở thị trấn An Lão, huyện An Lão) có kinh nghiệm trong việc giao tiếp và mở rộng đối tượng khách hàng. Năm 2019, chị từng bán mỹ phẩm, được tập huấn cách đăng bài trên mạng xã hội, tiếp cận khách hàng. Sau đó, chị Thủy bắt đầu bán những sản vật ở quê hương An Lão, đặc biệt là mật ong rừng.
Ngoài bán trên các trang cá nhân, chị Thủy còn đăng trên các hội, nhóm ăn vặt ở nhiều tỉnh, thành. Nhờ bán hàng chất lượng, giá phải chăng, chị Thủy tạo được lượng khách của riêng mình. “Trăm người hỏi, một người mua, vấn đề là không nản lòng và nhất định phải lịch sự, tế nhị với tất cả khách hàng. Lâu dần, khách hàng ngoài tỉnh cũng biết đến sản phẩm của mình và tin cậy đặt mua. Như có một chú ở Huế, mỗi lần mua đến 15 lít mật ong”, chị Thủy chia sẻ.
Nói về việc tạo dựng hình ảnh sản phẩm, chị Thủy cho biết: “Hình ảnh lung linh ban đầu rất thích mắt, nhưng nếu mua về có một chút khác biệt, khách hàng sẽ đánh giá mức độ thiếu trung thực của người bán. Do vậy, tôi ưu tiên hình ảnh giống thực tế, quan trọng là đảm bảo chất lượng, có vậy mới giữ chân được khách hàng. Sau khi bán hàng, nếu khách có bất kỳ thắc mắc gì, mình phải giải đáp thật lòng, tường tận và nhẹ nhàng. Điều đó quyết định việc khách có quay lại hay không”.
Chị Sơn (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) kiểm tra mẻ cơm rượu mới để chuẩn bị nấu giao cho khách. Ảnh: T.Y
Tốt nghiệp ngành du lịch, có nhiều mối quan hệ sau thời gian bán tour du lịch, chị Đặng Thị Út Sơn (22 tuổi, ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) quyết định rời TP Đà Nẵng về quê hương tìm kiếm cơ hội việc làm và giúp gia đình bán rượu gạo. Tại quê nhà, chị Sơn có thể vừa bán tour du lịch, bán vé máy bay qua mạng, vừa bán rượu. Nhờ vậy, sản phẩm rượu của gia đình chị Sơn đã đi rất nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai...
“Khoảng cách địa lý không còn là trở ngại với sản phẩm của chúng tôi, chất lượng và giá cả mới quyết định. Sau khi đăng bán trên mạng xã hội, có người đặt hàng tôi sẽ lên đơn, đảm bảo hàng được giao đến khách nhanh nhất có thể. Tôi cũng rất vui nếu khách hàng đến thăm, ghi lại cảnh nấu rượu của gia đình, vì chúng tôi làm đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh, không có gì phải ngại. Đó cũng là một kênh giúp rượu của gia đình được nhiều người biết đến hơn”, chị Sơn chia sẻ.
THẢO YÊN