Quan tâm cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho dân
Theo phản ánh của một số người dân xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn), từ năm 2021, đơn vị chức năng đã tiến hành đo đạc diện tích đất lâm nghiệp và thu tiền của các hộ dân để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ), nhưng đến nay họ vẫn chưa được cấp sổ.
Ông Ngh. (người dân trồng rừng ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận) cho biết, đất rừng của ông được đo đạc và đã nộp tiền từ năm 2021, tuy nhiên đến nay ông vẫn chưa nhận được sổ đỏ, dù đất rừng không có tranh chấp hay khiếu nại gì. Nhiều lần ông liên hệ với xã để tìm hiểu nguyên nhân nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. “Không có sổ đỏ, nhiều quyền lợi của tôi với diện tích và sản phẩm trồng rừng thường gặp khó khăn, kể cả khi tôi cần vay vốn cũng không thể thế chấp được”, ông Ngh. nói.
Đất trồng rừng tại thôn Thuận Truyền giao cho dân sản xuất, quản lý nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: V.L
Theo ông Đặng Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, trước đây, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng phương án giao rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý và cấp sổ đỏ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Tây Sơn đã chỉ đạo Phòng TN&MT và UBND xã tổ chức rà soát quỹ đất lâm nghiệp là đất hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trồng rừng sản xuất và đất do các tổ chức trả lại cho địa phương quản lý, có chức năng trồng rừng sản xuất thuộc trong quy hoạch 3 loại rừng. UBND xã Bình Thuận đã xây dựng phương án và được UBND huyện phê duyệt.
Để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp sổ đỏ, phải xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đầy đủ, chính xác để quản lý, khai thác sử dụng lâu dài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy định. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, rà soát thực tế cho thấy bản đồ địa chính đất lâm nghiệp lần đầu thực hiện vào năm 2010 (được xây dựng theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 25.4.2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính bằng ảnh hàng không phục vụ cho lập hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp) cập nhật chưa được chính xác. Qua quá trình sử dụng đất, đến nay có sự biến động rất lớn về hình thể, không đúng tên chủ sử dụng, ranh giới sử dụng đất không còn phù hợp, có nhiều khu vực chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất đã được triển khai thực hiện các dự án trồng rừng theo chủ trương của nhà nước như Dự án phát triển lâm nghiệp WB3, Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững do Chính phủ Đức tài trợ vốn, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Do đó, cần phải đo đạc lại, thống nhất về cơ sở dữ liệu địa chính để quản lý, cấp sổ đỏ.
Cũng theo ông Hiền, nguyên nhân chậm cấp sổ cho người dân là phải xác định đất có nằm trong quy hoạch 3 loại rừng hay không, phải xác định mốc giới khu đất do thực tế nhiều khu đất có sự biến động lớn. Trong khi đó, địa bàn rộng, lượng hồ sơ đăng ký làm sổ đỏ nhiều, nằm rải rác ở các thôn, cần phải kiểm tra chính xác nên việc thực hiện cấp sổ đỏ còn gặp nhiều khó khăn và kéo dài.
Những trường hợp đủ điều kiện, xã sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tây Sơn tiến hành đo đạc, xác định nguồn gốc đất, tổ chức niêm yết tại UBND xã trong vòng 15 ngày. Nếu không có tranh chấp hay khiếu kiện, xã xác nhận và lập hồ sơ gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện kiểm tra để cấp sổ đỏ cho người dân; phấn đấu đến đầu năm 2024 sẽ cấp sổ đỏ cho những trường hợp đủ điều kiện.
“Với các trường hợp không đủ hoặc chưa đủ điều kiện, chúng tôi sẽ mời bà con lên xã để hướng dẫn, giải thích, trả lời rõ ràng. Còn việc thu tiền của người dân là do đơn vị tư vấn thu tạm ứng tiền đo đạc và các khoản khác theo quy định; xã chỉ hỗ trợ cho người dân xác nhận nguồn gốc đất, không tổ chức thu tiền”, ông Hiền cho hay.
VĂN LƯU