Hiệu quả tích cực của dự án chè dây An Toàn
Từ năm 2020 - 2023, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với Hội LHPN huyện An Lão thực hiện Dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định” (gọi tắt là Dự án chè dây An Toàn).
Các thành viên trong ban điều hành dự án kiểm tra mô hình trồng chè dây tại An Toàn. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Sau hơn 30 tháng triển khai, tất cả hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án đã được triển khai, kết quả đạt được khá tốt, đảm bảo theo tiêu chí ban đầu đề ra. Th.S Hồ Quang Thạch (Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT), thành viên tham gia dự án cho biết: Đến nay Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong việc điều tra khảo sát phân bố, trữ lượng cây chè dây bản địa với tổng diện tích 11,384 ha, mật độ trung bình 16 cây/500 m2, trữ lượng bình quân từ 28 - 400 kg/ha; xây dựng hoàn thiện vườn bảo tồn và nhân ươm giống cây chè dây bản địa tại Trạm dược liệu An Toàn; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, bảo tồn, thu hái cây chè dây bản địa đạt tiêu chuẩn GACP - WHO gắn với phổ biến kiến thức bảo vệ khai thác hợp lý tài nguyên rừng; xây dựng 3 mô hình liên kết chuỗi bảo tồn, thu hái - thu mua chế biến dược liệu gắn với tập huấn ToT...
Đối với các mô hình liên kết chuỗi trồng thâm canh - thu hái - thu mua - chế biến dược liệu và mô hình liên kết chuỗi bảo tồn, thu hái - thu mua chế biến dược trên cây chè dây, dự án hỗ trợ người dân xây dựng chuỗi liên kết với Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar). Theo đó, Bidiphar thu mua 100% sản phẩm chè dây từ hộ dân với tổng sản lượng 4.816 kg (trung bình 803 kg/mô hình). Sau khi trừ các chi phí, ước tính lợi nhuận mang lại cho người dân tăng từ 46 - 48% so với trước khi thực hiện dự án. Bước đầu người dân đã có nguồn thu chủ động, ổn định và lâu dài; góp phần làm thay đổi tập quán của người bản địa.
THÀNH NGUYÊN