Thị trường lao động bắt đầu “ấm” lại
Cuối năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng, góp phần làm “ấm” lại thị trường lao động.
Từ quý IV/2023 đến hết quý I/2024, ngành hàng đồ gỗ xuất khẩu bước vào mùa cao điểm sản xuất. Sau một thời gian chịu tác động tiêu cực của giai đoạn “hậu đại dịch Covid-19”, mùa sản xuất cao điểm của ngành gỗ hé mở nhiều tín hiệu tích cực.
Nỗ lực phục hồi, ổn định sản xuất
Ông Bùi Đắc Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn (tại Khu công nghiệp Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) thông tin: “Hiện tại, số lượng đơn hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu mà DN đang đảm nhiệm tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những khách hàng tại các thị trường truyền thống như Canada, châu Âu, chúng tôi đã mở rộng được một số khách hàng mới tại thị trường Mỹ”.
Để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong mùa cao điểm, DN đã mời gọi lao động cũ, tuyển thêm lao động. Tổng số lao động hiện tại khoảng 270 người đủ để phục vụ sản xuất đảm bảo tiến độ các đơn hàng. Trước đó, trong những tháng ít đơn hàng (từ tháng 7 - 9.2023), Công ty TNHH Trường Sơn đã giảm 30% lao động.
Trên lĩnh vực ngành hàng may mặc, phần lớn các DN đang có số lượng đơn hàng ổn định, đảm bảo sản xuất trong thời gian dài. Bà Trương Thị Năm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư An Phát (TX Hoài Nhơn), cho biết: “Hiện, DN đang có 2.078 lao động, tăng 73 lao động so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian qua, An Phát không tăng thêm đơn hàng, cũng không bị giảm đơn hàng. Chúng tôi hiện đủ đơn hàng để sản xuất đến cuối năm 2023, dự kiến có hàng đến quý I/2024”.
Công ty CP Đầu tư An Phát đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu may mặc, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động. Ảnh: DNCC
Tuyển dụng thêm lao động
Cũng duy trì ổn định đơn hàng thời gian qua, đặc biệt tăng mạnh đơn hàng từ đầu quý IV/2023 đến nay, Xí nghiệp Thắng Lợi (thuộc Công ty CP Phú Tài, tại xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) đang có nhu cầu tuyển thêm 100 công nhân chế biến gỗ. Theo đại diện DN, DN đã và đang đăng tải thông tin tuyển dụng thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, các trang mạng xã hội để đông đảo người lao động biết. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, DN luôn duy trì số lao động từ 1.300 - 1.400 người.
Với số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ, Công ty TNHH Wesbrook Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Tài, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) đã tuyển hơn 50 lao động trong tháng 11.2023. DN hiện có 430 lao động; trong đó, 400 lao động là công nhân sản xuất trực tiếp tại xưởng.
“Công ty TNHH Wesbrook Việt Nam chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Để đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng, các lao động mới tuyển đều được đào tạo, hướng dẫn lại trước khi bắt tay vào sản xuất. Chúng tôi đang tiếp tục tuyển thêm 50 công nhân, người lao động và phải hoàn thành kế hoạch tuyển dụng trong cuối năm 2023”, bà Trần Thị Ngọc Thùy, người phụ trách quản lý hành chính - nhân sự Công ty TNHH Wesbrook Việt Nam chia sẻ.
Một số DN may trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Đơn cử như Công ty TNHH B&D Lingerie Việt Nam (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) tuyển 200 công nhân may, 23 nhân viên bảo trì, sửa chữa máy may và nhiều vị trí khác. Công ty CP May Bình Định (tại TP Quy Nhơn) tuyển 50 công nhân may. Công ty TNHH Sepplus Bình Định (phường Bình Định, TX An Nhơn) tuyển 100 công nhân may và nhiều vị trí khác…
Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (tại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) tiếp tục tuyển 200 công nhân may, 20 công nhân kiểm hàng, 40 công nhân làm việc 3 ca (vận hành máy dệt, đóng gói, định hình tất)… Bên cạnh đăng tin tuyển dụng trên các kênh, Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam còn có chính sách thưởng cho nhân viên, người lao động giới thiệu thành công người lao động mới vào làm việc tại DN.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Sở LĐ-TB&XH), trong tháng 12.2023, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 1.100 lao động. Trong đó, nhu cầu khoảng 500 thợ may mặc và các thợ liên quan lĩnh vực may; 140 lao động phổ thông trong ngành công nghiệp chế biến; 40 lao động vận hành máy; 90 nhân viên bán hàng thị trường; 100 kỹ thuật cơ khí - hàn - điện…
Ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định nhận định: “Thị trường lao động sẽ dần “ấm” ở những ngành, lĩnh vực sản xuất đã phục hồi, phát triển ổn định. Thời gian qua, nhiều DN trong tỉnh cũng kết nối, ủy quyền cho Trung tâm tuyển dụng lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến đầu năm 2024 là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, đặc biệt là tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động. Điều này cũng sẽ tác động tích cực thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024”.
Anh Trần Văn Nhị (31 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) là công nhân ngành gỗ. Từ tháng 7 - 9.2023, DN hết đơn hàng, hoạt động sản xuất tạm ngưng trệ, anh Nhị nghỉ việc, làm phụ hồ để mưu sinh. Thời điểm hiện tại, khi các đơn hàng xuất khẩu gỗ tăng lại, anh đã tìm được việc tại một DN xuất khẩu gỗ. Anh chia sẻ: “Tôi cố gắng làm việc, tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập, chăm lo cho gia đình. Dịp cuối năm, dù đã cố gắng tiết kiệm, sắp xếp thu chi nhưng rất nhiều khoản phải lo, rất nhiều việc cần đến đồng tiền”.
NGUYỄN MUỘI