BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Quy Nhơn, đất lành của khoa học
Từ TP Ðà Nẵng vào TP Quy Nhơn định cư để theo nghề báo đến nay đã tròn 15 năm, tôi được chứng kiến một giai đoạn chuyển mình đầy ấn tượng của thành phố này. Quy Nhơn giờ không chỉ cuộn mình với những ca từ như “thành phố bình yên”, “thành phố thi ca” mà còn được biết đến là trung tâm kinh tế năng động ở miền Trung, đô thị khoa học hàng đầu Ðông Nam Á…
Chừng đó năm có thể chỉ tạm đủ để tôi tin rằng người Quy Nhơn, nói rộng hơn là người Bình Định, luôn chân thành, mộc mạc, đầy tinh thần trượng nghĩa. Nhưng lại đủ chắc chắn để tôi khẳng định, chính tính cách của người Bình Định đã “giữ chân” được vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, ở Pháp) - GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp). Nhờ đó, TP Quy Nhơn có được Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).
Sự quan tâm và tinh thần tôn trọng khoa học
Bây giờ, ICISE đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á. “Không có sự giúp đỡ và hỗ trợ mạnh mẽ của các lãnh đạo Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Định và sự ủng hộ của các nhà khoa học hàng đầu quốc tế cũng như trong nước thì ICISE sẽ không thực hiện tốt đẹp như hiện nay”, GS Trần Thanh Vân khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng tượng Hoàng đế Quang Trung cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc nhân kỷ niệm 10 năm thành lập ICISE (2013 - 2023). Ảnh: HOÀNG TRỌNG
GS Trần Thanh Vân kể, thời điểm trước năm 2008, vợ chồng ông trở về nước với mong muốn xây dựng tại Việt Nam một điểm gặp gỡ, trao đổi, giao lưu khoa học, làm cầu nối cho giới khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế. Trước khi đến Quy Nhơn hai vợ chồng đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo 5 tỉnh ở miền Trung có các thành phố ven biển như: Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết.
Ngày 5.8.2008, vợ chồng GS Vân đại diện cho Hội Gặp gỡ Việt Nam gặp lãnh đạo tỉnh Bình Định để khảo sát thành lập dự án ICISE. Khi nghe và thấu hiểu tấm lòng cao cả của vợ chồng GS Vân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà (nay đã nghỉ hưu) nhất quyết giữ chân hai người ở lại Bình Định và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Gặp gỡ Việt Nam xây dựng, vận hành ICISE theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. “Bấy giờ, thấy rõ sự quan tâm và tinh thần tôn trọng khoa học, giáo dục của ông Vũ Hoàng Hà và lãnh đạo tỉnh Bình Định, chúng tôi quyết định dừng chân ở Quy Nhơn để xây dựng ICISE”, GS Trần Thanh Vân bồi hồi.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của lãnh đạo tỉnh Bình Định, ICISE được khởi công xây dựng ngày 11.12.2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12.8.2013.
Mười năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn đồng hành cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam và vợ chồng GS Vân để thúc đẩy các hoạt động khoa học, giáo dục tại ICISE. Các nhà khoa học, các giáo sư, các tổ chức quốc tế… đến dự hội thảo tại ICISE luôn được đón tiếp nồng hậu. Cảm mến tấm lòng vì khoa học và vì quê hương đất nước của vợ chồng GS Vân cũng như sự chân thành của lãnh đạo tỉnh Bình Định và người dân địa phương, nhiều nhà khoa học, trong đó có các giáo sư đoạt giải Nobel, đã trở lại Quy Nhơn nhiều lần, tích cực tham gia các hoạt động tại ICISE.
Trong bức thư ngày 29.12.2020 gửi Hội Gặp gỡ Việt Nam về việc chấp thuận tham gia vào Hội đồng quốc tế cấp cao bảo trợ về khoa học cho ICISE, GS Sheldon Lee Glashow (Nobel Vật lý 1979, làm việc tại ĐH Harvard, Mỹ) viết: “ICISE đã trở thành một kho báu vô giá và mãi mãi sẽ giữ nguyên giá trị của nó, một giá trị không thể thiếu không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học và sinh viên của Việt Nam mà còn dành cho các nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên, các nhà giáo dục trên khắp năm châu. ICISE đã vươn mình trở thành một nơi chắc chắn phải được coi là Di sản khoa học thế giới”.
Sức hút đến từ những người yêu nước nồng nàn
Nhiều lần phát biểu trước các nhà khoa học quốc tế tại ICISE, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định, Bình Định được biết đến là mảnh đất hiếu học, trọng nhân nghĩa, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức. Việc xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển của tỉnh. Trên cơ sở các hoạt động của ICISE, để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa có quy mô 242 ha với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước. Hiện khu đô thị này đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công viên sáng tạo TMA, Công viên phần mềm của Công ty TNHH Phần mềm FPT, Khu Tổ hợp Không gian khoa học với Nhà mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành của tỉnh cùng các nhà khoa học quốc tế tham dự một sự kiện khoa học tại ICISE vào tháng 8.2023. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
“10 năm trước, không ai nghĩ TP Quy Nhơn sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel; không ai nghĩ tại Bình Định sẽ hình thành được Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên của cả nước. Do đó, tôi tin tưởng và hy vọng rằng trong một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển và biến Quy Nhơn thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ.
Trong buổi gặp mặt các nhà khoa học quốc tế vào chiều 12.8.2023 tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn theo sát, đánh giá cao sự đóng góp rất thiết thực của ICISE cho khoa học, giáo dục của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Việt Nam là một quốc gia còn nhiều khó khăn, điều kiện để thu hút, hấp dẫn có thể không thể bằng các nước phát triển, nhưng các nhà khoa học vẫn nhiệt thành đến với Việt Nam vì tình yêu, vì sự cảm mến không điều kiện, rất chân thành và tự nhiên. Sức hút của Việt Nam có thể đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững như GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc.
Sau 10 năm đi vào hoạt động (2013 - 2023), ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với sự tham gia nhiệt tình của hơn 10.000 nhà khoa học hàng đầu quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 18 giáo sư đã được giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học)...
Các nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng như: Ngô Bảo Châu (huy chương Fields năm 2010), Đàm Thanh Sơn (huy chương Dirac 2018), Lưu Lệ Hằng (giải thưởng Kavli), Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Trọng Hiền… cũng nhiều lần tham gia và hỗ trợ các hoạt động khoa học, giáo dục tại ICISE.
HOÀNG TRỌNG