Ðẩy lùi bạo lực gia đình: Hãy cùng lên tiếng! - Kỳ đầu
LTS: Bạo lực gia đình để lại hậu quả nặng nề, nhưng đa số nạn nhân vẫn chọn im lặng. Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Ðẩy lùi bạo lực gia đình: Hãy cùng lên tiếng”, với hy vọng người trong cuộc và cộng đồng xã hội cùng chung tay vào cuộc để góp phần giảm nỗi đau từ bạo lực gia đình.
Kỳ đầu: Dai dẳng buồn tủi, nhức nhối nỗi đau
Rất khó có được con số chính xác số vụ để hình dung đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình. Dù phải chịu nhiều thiệt thòi, thương tổn, các nạn nhân vẫn chọn im lặng, không dám đứng ra tố cáo.
Chọn hy sinh vì con
Không nén được cảm xúc, chị D. (ở TP Quy Nhơn) kể về cuộc sống hôn nhân đẫm nước mắt của mình. Trong cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, chị thường xuyên phải chịu những trận đòn từ mẹ chồng. Chị D. không có quyền tự quyết trong việc nuôi dạy con mà phải nghe theo lời mẹ chồng. Nếu như trái ý, chị phải chịu sự “giáo huấn” nặng nề. Có lần, vì quên bật nút nồi cơm điện, chị liền bị mẹ mắng chửi và tát vào mặt khiến chị choáng váng.
Giọt nước tràn ly, chị chọn ôm con đi thuê trọ. Khi biết được địa chỉ nhà trọ, mẹ chồng nhiều lần đến chửi rủa và cho rằng chị dọn ra ngoài vì có nhân tình, khiến chị phải muối mặt quay trở về nhà chồng. Nhiều lần thuyết phục chồng ra ở riêng để bảo vệ hạnh phúc gia đình nhưng không thành, đến khi con lớn, chị mới có đủ dũng khí rời bỏ cuộc hôn nhân này.
“Lúc đầu, vì con còn quá nhỏ nên tôi chấp nhận hy sinh để con có đủ ba mẹ. Đến khi cháu nhận thức được nỗi khổ của mẹ và khuyên mẹ ly hôn, tôi mới dám đệ đơn ra tòa”, chị D. kể.
Chị M. và anh C. (đều ở TX Hoài Nhơn) là cặp vợ chồng “9X” cưới nhau đã được 3 năm. Năm 2021, sau khi hạ sinh con đầu lòng, chị M. gặp phải những vấn đề “hậu sản”, sức khỏe tụt dốc không phanh. Dần dần, anh C. có những biểu hiện lệch lạc, thường xuyên nóng giận với vợ. Đến cuối 2022, cuộc sống hôn nhân gặp khủng hoảng khi anh C. nhiều lần yêu cầu vợ “hợp tác” để “làm mới” cuộc sống chăn gối, nếu không thuận theo sẽ bị mắng chửi thậm tệ. Dù hôn nhân không hạnh phúc nhưng chị M. chưa một lần nghĩ đến việc ly hôn vì sợ con mình sẽ thiệt thòi so với bạn bè.
“Mỗi khi có mâu thuẫn với chồng, tôi không thể giãi bày cùng ai. Nếu ly hôn, tôi sợ sẽ mất quyền nuôi dưỡng con. Con tôi rất thương bố nên tôi đành nhẫn nhịn, chấp nhận hy sinh để con được yên vui”, chị M. bộc bạch.
Chị H. (ở TX Hoài Nhơn), nạn nhân của BLGĐ nằm viện phải nhờ em trai chăm sóc để tránh bị chồng làm phiền. Ảnh: X.Q
Tự tìm đường lui
Những tưởng ly hôn chính là giải pháp tốt nhất cho những ai là nạn nhân của BLGĐ, nhưng đối với một số người, ly hôn vẫn chưa là lối thoát. Nhiều phụ nữ phải tự tìm đường lui cho mình thay vì tố cáo.
Chị V. (ở huyện Tây Sơn) ly hôn chồng là anh Q. đã được 2 năm. Trong 2 năm hôn nhân, chị hay bị chồng và mẹ chồng mắng nhiếc vì không có công việc ổn định. Bận bịu con nhỏ, chị V. đành phải bán hàng trực tuyến để kiếm thêm thu nhập. Nhiều đêm chăm con vất vả lại phải thức khuya để gói hàng, chị hay bị đau ốm. Mỗi lần như thế, mẹ chồng đều cho rằng chị giả bệnh để trốn việc nhà.
Thường xuyên phải đưa con ốm đi nhập viện một mình, chị V. quyết định ly hôn và giành được quyền nuôi con. Sau khi về nhà mẹ ruột sinh sống, chị V. liên tục bị chồng cũ lấy cớ thăm con để làm phiền. Thấy chị đi cùng người khác, hắn kiếm cớ gây sự và dọa sẽ ôm con bỏ đi.
“Dù không còn là vợ chồng nhưng tôi không được tự do với các mối quan hệ. Chồng cũ nhiều lần lấy con để ràng buộc tôi, thậm chí xông vào nhà để đánh nếu tôi không nghe điện thoại”, chị V. kể. Không muốn liên lụy đến người nhà, chị V. ôm con đến nơi khác để lập nghiệp, chấp nhận khổ cực một mình để thoát khỏi sự đeo bám của chồng cũ.
Chị V. (ở huyện Tây Sơn) phải chọn đi xa buôn bán kiếm sống để tránh sự làm phiền của chồng cũ. Ảnh: X.Q
Sau khi ly hôn vì bị chồng bạo hành, chị K. (ở TX An Nhơn) cũng không thoát khỏi sự làm phiền của gia đình chồng. Đầu tháng 9.2022, trên đường đi làm về, chị bị chồng và em chồng chặn đường hăm dọa, bắt nghỉ việc để quay về với chồng. Biết tính chồng không thay đổi, chị một mực cự tuyệt. Mỗi lần như vậy, hắn đều đánh và tát vào mặt chị trước sự chứng kiến của đồng nghiệp, khiến chị xấu hổ đến mức bỏ việc, đổi chỗ ở và số điện thoại liên lạc.
“Biết rõ hành vi bạo lực của chồng là vi phạm pháp luật, nhưng tôi không dám đứng ra tố cáo vì sợ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con. Mặc dù được mọi người khuyên nhủ, tôi vẫn tự chịu đựng chứ không muốn con mình bị thiệt thòi”, chị K. nói.
Hậu quả khôn lường
Theo thống kê của Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình (Sở VH&TT), từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 282 vụ BLGĐ. Nạn nhân chịu BLGĐ hầu hết là nữ giới trong độ tuổi 16 - 40, người gây ra hành vi BLGĐ chủ yếu là nam giới. Các dạng bạo lực bao gồm: Bạo lực về thân thể (43%), bạo lực về tinh thần (42,2%), bạo lực về kinh tế (10,6%), bạo lực về tình dục (4,2%).
Trong giai đoạn 2020 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ BLGĐ để lại hậu quả nặng nề. Có đối tượng cố tình kết liễu vợ, người sống chung cùng mình bằng những cách thức tàn độc như dùng xăng đốt, đâm nhiều nhát cho đến chết. Mới đây nhất, ngày 19.12, chị B.T.B. (ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) xảy ra mâu thuẫn với người sống chung là B.T.A (ở tỉnh Quảng Ngãi). Trong lúc nóng giận, đối tượng A. đã tẩm xăng đốt chị B. và cố tình dìm chị trong lửa. Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, chị B. thoát thân nhưng lại bị bỏng nặng ở vùng lưng, phải điều trị ở BVĐK tỉnh.
Vết thương trên cơ thể các nạn nhân của BLGĐ. Ảnh: X.Q
Trong phiên tòa xét xử ngày 15.12, bị cáo Trần Hữu Đức (ở huyện Phù Cát) đã bị tuyên phạt 12 năm tù giam cho hành vi dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào vợ mình là chị H.T.A.P. do chị không đồng ý bán nhà trả nợ cho hắn.
Tháng 9.2021, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Như (SN 1984, ở TP Quy Nhơn) án chung thân về tội giết người có tính chất côn đồ. Trong lúc nóng giận vì ghen tuông, Như đã đâm liên tiếp 39 nhát dao vào người sống chung là chị L.T.A.Đ. Vì vết thương quá nặng, chị Đ. đã tử vong. Đáng nói, trong quá trình sống chung, chị Đ. thường xuyên bị Như hành hạ, đánh đập.
Các sự việc kể trên khiến nhiều người xót xa cho số phận của những đứa trẻ khi phải đón nhận những cú sốc tâm lý quá lớn vì sự tàn bạo của cha mình.
Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, BLGĐ để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Hằng năm, có đến gần 80% số vụ ly hôn do BLGĐ. Số trẻ em sống trong môi trường bạo lực sẽ có những rối loạn tâm lý, sa sút trong học tập, có những hành vi tiêu cực. Nếu những đứa trẻ này không được quan tâm, giáo dục đúng mức thì có thể trở thành những đứa trẻ hư, có thiên hướng hành xử bạo lực với mọi người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tội phạm vị thành niên, thanh thiếu niên sa vào tệ nạn xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân khiến những người phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ không dám đứng ra tố cáo. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ tâm lý lo sợ. Sợ con cái phải chịu cảnh thiệt thòi khi không có gia đình trọn vẹn. Sợ mất quyền nuôi dưỡng con nếu phải ly hôn. Những nỗi sợ về tâm lý đó lớn hơn nỗi đau khi bị chồng bạo hành, nên người phụ nữ cứ mãi im lặng, chịu đựng và không bước ra được cái vòng lẩn quẩn của bạo hành.
XUÂN QUỲNH
Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ