BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
“đất Võ, trời Văn, xứ Rượu”
Uống rượu khác với uống bia, phải nhâm nhi thì mới tận hưởng trọn vẹn cái hương vị của nó. Với rượu Bàu Ðá của Bình Ðịnh thì lại càng phải... nhâm nhi. Từ khi thấu triệt được đạo lý này tôi rất hay chia sẻ, đến nỗi thành tiếng là “khéo nịnh quê vợ”. thì đã làm sao đâu nhỉ, thứ rượu quê uống một lần là nhớ mãi đến bốn mươi năm đáng được như thế chứ.
Cãi nhau một chữ “Bàu” hay “Bầu”
Lần ấy tôi chứng kiến cảnh cãi nhau phùng mang trợn mắt giữa hai ông bạn cùng ngồi trong chiếu rượu, không phải cãi về chuyện ngon dở của rượu mà là cãi về một tên gọi. Đó là Bàu Đá hay Bầu Đá.
Ông người Quảng Nam thì dứt khoát là “Bàu Đá” vì theo ông, “hắn” (rượu) được lấy nước từ một cái bàu cạnh làng. Còn ông người Huế thì, “Bầu Đá nhé, tức rượu đựng trong cái bầu bằng đá”(?). Bốn mươi năm trước, làm gì có mạng mà tra để biết nó là “Bàu” hay “Bầu”! Tôi đành làm “trọng tài” bất đắc dĩ. Nhưng cũng không dám xử bên nào đúng mà chỉ phá ngang: “Uống một xị thì vợ sẽ... có bầu, còn uống ít ly (tức y một lít) thì... ra ngoài bàu mà ngụp lặn luôn”. Cả bọn hôm đó nghe tôi “phá ngang” nhưng hợp lý nên “hạ hỏa” và nâng ly.
Đường vào xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn. Ảnh: VÂN PHI
Chuyện tưởng lơ ngơ thế thôi, nhưng 40 năm sau còn nhớ nguyên con. Không phải mình tôi, cả chiếu cùng nhớ. Chỉ vì một chuyện. Thứ rượu hôm đó tuyệt ngon. Ai cũng say tít mù, nhưng là say trong êm dịu chứ không phải say lên bờ xuống ruộng như rất nhiều thứ rượu chúng tôi đã uống trước đó.
Mãi sau này, khi về làm việc ở Quy Nhơn, được mấy ông bạn đồng môn người An Nhơn “cẩu” về ngay chính trên quê rượu Bàu Đá “thần sầu” Nhơn Lộc mới hiểu ít nhiều về cái tên Bàu Đá. Cuộc rong chơi hôm ấy tự nhiên bàng bạc nét Champa kỳ bí vì lẽ rất gần với làng là những lò gốm, là đền tháp cổ, ruộng gò vẫn dày cui những mảng mảng gạch Chăm. Có liên hệ nào không giữa thứ rượu nồng nàn này với mênh mông những tầng văn hóa, thăm thẳm sâu những đôi mắt lúng liếng đen huyền và đồng lúa xanh rập rờn chập chùng trong mắt. Không chỉ ở Bàu Đá, lãng đãng cả ngày ở Nhơn Lộc tôi có cảm giác sau những lũy tre ken dày, dưới những mái tranh hiền hòa kia bếp nhà ai cũng đang thơm nồng nàn những nồi bảy nồi ba rượu đang nấu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở rượu Bàu Đá Ba Trương đang nấu rượu theo kỹ thuật cổ truyền. Ảnh: VÂN PHI
So với rượu ở nhiều nơi, Bàu Đá của Bình Định có màn sương khói huyền hoặc, bí ẩn, những câu chuyện kỳ bí bao trùm lên nó nhiều hơn. Sau này khi “làm quen” với marketing tôi chợt nhận ra đây cũng là một dạng tài nguyên, vốn quý mà dường như người Bình Định chưa xài bao nhiêu.
“Bản đồ danh tửu Việt” có tên Bàu Đá
Bàu Đá là tên gọi của một xóm thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dân xóm này chuyên nấu rượu, chính bàu nước trong vùng, nơi hội tụ của những mạch nước ngầm chảy ra từ lòng các ngọn núi xung quanh đã làm nên hương vị đặc trưng của rượu Bàu Đá. Nó xứng đáng có tên trong… bản đồ danh tửu quốc gia.
Lãng đãng cả ngày ở Nhơn Lộc, tôi có cảm giác sau những lũy tre ken dày, dưới những mái tranh hiền hòa kia bếp nhà ai cũng đang thơm nồng nàn những nồi bảy nồi ba rượu đang nấu. Ảnh: BÁ PHÙNG
Hồi còn làm cho Báo Lao Động, tôi rất ấn tượng về nhà báo Nguyễn An Định. Không chỉ ấn tượng về những bài bình luận sắc sảo của ông trên tờ báo này dưới bút danh Chu Thượng mà còn là ấn tượng về cách ông ấy uống rượu. Nhìn dáng ngồi và phong thái từ cách rót rượu ra ly đến lúc bưng lên uống đã thấy một người rành rượu. Còn nhớ hôm ấy, trong một cuộc rượu khá xôm tụ ở Đà Nẵng gồm nhiều nhà báo, nhà văn lẫy lừng. Loanh quanh một hồi đủ thứ chuyện, thế rồi chuyển qua chuyện rượu. Để chứng tỏ mình sành rượu, ông nào cũng kể là mình đã từng uống loại rượu nọ, rượu kia rồi.
Nhà báo Đặng Bá Tiến chen ngang câu chuyện, anh kể về rượu quê anh. Chưa kịp nhắc đến địa danh, ông Chu Thượng đã cắt ngang: “Hà Tĩnh nhà mày làm đếch gì có tên trên bản đồ rượu mà kể! Nếu có kể tên rượu trong cuộc này thì chỉ có thằng Trần Đăng này với rượu Bàu Đá quê nó. Tao uống rồi, lịm người vì ngon!”. Biết ông nhầm bản quán của tôi nhưng tôi không đính chính vì ... sướng giùm cho quê vợ của mình. Không chỉ là nhà báo chính trực, Nguyễn An Định còn là “tay chơi” có hạng ở xứ Bắc Hà nên tôi tin ông.
Lại nhớ có lần tôi được cụ Vũ Ngọc Liễn, nhà nghiên cứu tuồng lừng danh đất Bình Định, đãi một bữa rượu Bàu Đá nhớ đời. Chả phải say sưa gì nhưng mà ấn tượng. Hai bác cháu kéo nhau ra cái quán nhỏ, thụt sâu trong một con hẻm. Quán lụp xụp thôi nhưng rượu tốt và có loại nem Chợ Huyện rất ngon. Cực thong thả, cụ rót ra hai ly rồi đẩy về phía tôi cùng một gói nem bọc kín lá chuối. Rất đỗi trang trọng, cụ nâng chén rượu lên, từ tốn nhấp môi, rồi chậm rãi đặt xuống. Còn tôi, tróc một phát đã làm gọn chén rượu. Nom kiểu uống của tôi, cụ nhướng mắt, phẩy tay phán luôn: Uống rượu là để cảm cái hương của rượu chứ không phải uống cho say. Uống say thì rượu nào cũng giống rượu nào. Thứ Bàu Đá tốt đẹp hiếm hoi cỡ này càng phải cảm nó một cách hết sức từ tốn.
Tôi tin cụ. Nhưng cái đạo lý uống rượu ấy phải nhiều năm sau tôi mới thấm thía. Thành ra hôm đó coi như tôi được học thêm một bài vỡ lòng về rượu, cách uống rượu sao cho khinh khoái, chuyện người uống phải xứng tầm với rượu là có thật. Mà như vậy thì không phải rượu nào cũng có thể uống như rượu nào, nói cách khác là riêng rượu Bàu Đá một mình một chiếu; để rồi từ đó có thể khúc xạ qua rượu mà hiểu được người Bình Định. Phải như vậy thì cả ông Nguyễn An Định và bác Vũ Ngọc Liễn - những bậc “tiên tửu”, dù mỗi người có một cách uống, cách nói về rượu Bàu Đá khác nhau - cùng vẽ trên bản đồ danh tửu Việt một chấm nhỏ nhưng đầy uy lực mang tên Bàu Đá.
Để Bàu Đá thành thương hiệu mạnh
Hè vừa rồi tôi đi Hà Giang, bất cứ cuộc ăn nhậu nào cũng có rượu ngô. Loại rượu này từ chỗ được đồng bào H’Mông nấu thủ công, giờ sản xuất đại trà. Nhãn mác hẳn hoi, trông rất bắt mắt. Hết thảy các loại khách đều được nồng nhiệt mời uống rượu ngô trước. Có muốn uống thứ gì khác sau đó thì tùy nhưng khách đừng từ chối chén rượu ngô làm quen. Từ chỗ là một loại rượu nội bộ với nhau, rượu ngô mau chóng tỏa lan ít nhất là trên toàn cõi Việt Nam.
Tôi qua bên Hàn Quốc cũng thế, ngay trong một tiệc lớn tuyền những doanh nhân, nhưng khi đãi khách họ vẫn dùng “rượu gạo” do họ sản xuất chứ không hề thấy rượu Tây rượu Tàu nào cả. Bia lại càng không, bia chỉ như một thứ nước giải khát có nồng độ cồn thế thôi.
Kể điều đó để nói rằng, muốn cái tên rượu Bàu Đá trở thành một thương hiệu mạnh, có thể mở đường cho một hướng đi làm thay đổi cuộc sống ở nơi sản xuất ra nó thì không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ... kể trong bàn nhậu. Đi dọc QL 1, đoạn qua An Nhơn, gần như tiệm tạp hóa nào cũng bán rượu Bàu Đá nhưng vào các quán xá chỉ toàn thấy... bia. Nói điều này không phải để cổ súy cho việc “cả tỉnh phải uống rượu Bàu Đá” mà muốn nói rằng, các nhà quản lý và nhà sản xuất phải nghĩ một kế khác để Bàu Đá có mặt “trên từng cây số”.
***
Đã 40 năm kể từ ngày uống ly rượu đầu tiên mang tên Bàu Đá, dấu chân của tôi đã hằn in lên nhiều vùng đất và nhấm thử rất nhiều loại rượu khác nhau nhưng cái hương vị thơm nồng ngày ấy cứ loanh quanh đâu đó trong ký ức, để mỗi khi nhắc đến Bình Định, hai tiếng Bàu Đá lại thức dậy rồi như ngà ngà say dù chưa uống giọt nào. Đã có danh xưng “đất Võ trời Văn” nếu khéo xài, giỏi phát huy nguồn tài nguyên dồi dào, bao la quý giá mà hai tiếng “Bàu Đá” hàm dưỡng, có khi sẽ nối dài được danh xưng “đất Võ trời Văn, xứ Rượu” cũng nên. Cả nước ta, dọc dài từ Nam chí Bắc có nơi nào lại có riêng một ngôi chợ tên là Chợ Rượu không? Không nhé. Chỉ ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, TX An Nhơn mới có thôi, nhưng bạn thân mến của tôi ơi, đó lại là chuyện tôi sẽ kể trong một dịp khác.
TRẦN ĐĂNG